Bình Thuận: Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa tương xứng với tiềm lực
Tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nhưng hiệu quả còn chưa tương xứng với tiềm lực sẵn có của địa phương.
Còn nhiều khó khăn
Ngày 10/8/2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 2059/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng, công nghệ cao, diện tích khoảng 2.5 ha được đầu tư xây dựng tại huyện Bắc Bình. Các loại hình sản xuất công nghệ cao bao gồm: Thanh long ruột trắng, vàng, đỏ và lai tạo các giống mới; Dưa lưới, nha đam (lô hội), nho, tỏi, măng tây, rau màu có giá trị kinh tế, bụt giấm (cây dược liệu); Nghiên cứu trồng khảo nghiệm cây hồng trà…
Mục tiêu của dự án là xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Từ đó nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt 6-7% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Năng suất cây trồng tăng gấp từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất truyền thống. Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đạt các tiêu chí VietGAP hoặc GlobalGAP. Quy trình công nghệ sản xuất phải tiên tiến nhất tại thời điểm đầu tư...
Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trải dài trên toàn tỉnh. Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Bình Minh đang tập trung chủ yếu trồng rau, đậu các loại và trồng hoa, cây cảnh; Cây ăn quả đặc biệt là dưa lưới, với diện tích 20 ha/100 nhà màn; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Đông đang trồng các loại cây rau màu với diện tích 11 ha/6 nhà màn; Chi nhánh công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp xây dựng thép Tiên Phong Bình Thuận lại lựa chọn trồng dưa lưới, các loại rau… với diện tích 20 ha/80 nhà màn; Công ty TNHH Soleil Farm xác định dưa lưới, các loại rau… là cây chủ lực với diện tích 6 ha/26 nhà màn; Ngoài ra, còn có các hộ cá nhân thực hiện đầu tư với 17 ha/162 nhà màn/30 hộ dân (trồng dưa lưới).
Tuy nhiên, tăng trưởng ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bình Thuận vẫn chưa thật bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp còn một số hạn chế. Việc liên kết, hợp tác sản xuất trong nông nghiệp chưa phát huy tối đa hiệu quả, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, do điều kiện về chất lượng đất đai, nguồn nước phù hợp với các tiêu chí xây dựng các vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặc trưng cho vùng đất khô hạn còn hạn chế. Điều kiện thiên nhiên tại Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất khắc nghiệt; Đất đai, thổ nhưỡng chủ yếu là đất cát, nghèo dinh dưỡng nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Nguồn nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thủy lợi bơm 3 cấp của tỉnh, do đó cần phải có giải pháp đầu tư lớn để dự phòng nước tưới. Cùng với đó là khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản trên thị trường chưa cao. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Quan trọng hơn hết vẫn là khó khăn về nguồn vốn, nhất là đầu tư trong nông nghiệp thường cần vốn lớn nên cũng là trở ngại đối với các doanh nghiệp… đã khiến ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương vẫn chưa có bước phát triển đột phá.
Gỡ rào cản để phát huy tiềm lực
Thời gian qua, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Thuận có nhiều nỗ lực trong thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn và nâng cao giá trị gia tăng, đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng lợi thế. Kết quả có thể thấy được từ sự đổi thay sắc xanh từ vùng đất nắng gió, khô hạn trước đây, nay đã hình thành không ít các trang trại, vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế, chất lượng cao như dưa lưới, nho… được ứng dụng sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay địa phương có 253 dự án nông nghiệp; Trong đó có 14 dự án nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù tỉnh chưa ban hành chính sách riêng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bắc Bình, nhưng để mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực lớn mạnh đầu tư vào vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư được hưởng các chính sách theo quy định.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa ban hành chính sách riêng, cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trước mắt, địa phương sẽ nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư. Bằng việc tạo điều kiện để doanh nghiệp hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao sẽ được hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ưu đãi các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những cây trồng vật nuôi thích hợp các điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại khu vực để nhân rộng và liên kết với doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Song song đó, tỉnh Bình Thuận sẽ tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào khu vực thông qua các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư; Hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định đối với các hồ sơ đầu tư; Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư.
Hơn hết, tỉnh Bình Thuận sẽ lập kế hoạch kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp thực hiện liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng phát triển hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; Xây dựng các vùng chuyên canh kết hợp giữa sản xuất và chế biến bảo đảm số lượng, chất lượng; Hướng dẫn doanh nghiệp sơ chế và chế biến phù hợp, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo danh mục các dự án dự kiến thực hiện trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND tỉnh Bình Thuận cho thấy, ở lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ có 8 dự án. Đơn cử như dự án đầu tư hạ tầng vùng sản xuất tập trung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Dự án đầu tư hạ tầng Khu phức hợp phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao Sông Bình - Bắc Bình; Dự án đầu tư hạ tầng Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao (Tuy Phong); Dự án vùng phát triển thanh long theo hướng ứng dụng công nghệ cao theo quy trình GlobalGAP, VietGAP; Dự án đầu tư phát triển vùng lúa chất lượng cao xuất khẩu (Đức Linh); Dự án phát triển sản xuất rau, củ, quả an toàn; Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống gia súc, gia cầm; Dự án đầu tư khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.