Người dân tộc Thái phát triển các mô hình kinh tế gắn bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tận dụng các điều kiện sẵn có tại địa phương, hiện nay nhiều nông hộ người dân tộc thiểu số ở Con Cuông (Nghệ An) đang vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu một cách chính đáng.
Tận dụng nguồn nước từ sông Giăng chảy gần nhà, năm 2022, anh Vi Viềng Anh ở bản Thái Sơn 1, xã môn Sơn đã mạnh dạn nuôi 300 con vịt đẻ trứng. Sau 1 năm thấy công việc làm ăn thuận lợi, vịt không bị mắc dịch bệnh, phát triển tốt, anh đầu tư thêm chăn nuôi vịt theo hướng trang trại. Đây là giống vịt siêu đẻ được anh mua từ huyện Yên Thành với giá hơn 100 nghìn đồng/con.
Anh Vi Viềng Anh cho biết: “Nuôi vịt không cần vốn lớn nhưng quan trọng nhất là khu nuôi, vệ sinh khu nuôi sạch sẽ để tránh mắc dịch bệnh. Vịt của tôi chủ yếu chăn thả trên sông Giăng, về mùa này nguồn thức ăn rất dồi dào, chiều về cho thêm thức ăn địa phương”.
Với trên 300 con vịt siêu đẻ trứng, mỗi ngày anh Vi Viềng Anh thu trên 0 quả trứng cung cấp cho thị trường tại huyện Con Cuông và một số huyện lân cận với giá nhập 3.500 /quả. Thức ăn cho vịt chủ yếu là lúa, ngô nên chất lượng trứng thơm ngon, lòng đỏ nhiều nên được nhiều nơi ưa chuộng.
Cũng xuất thân từ một nông dân nhưng với sự cần cù, ham học hỏi, ý chí quyết tâm từ chăn nuôi, ông La Thanh Túc cũng ở bản thái Sơn, xã Môn Sơn đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi vịt đẻ lấy trứng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Túc chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu, học tập từ trên sách, mạng, đài truyền hình, tôi đã áp dụng mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi vịt đẻ lấy trứng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện kinh tế cho gia đình trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn hiện nay”.
Với mô hình nuôi vịt đẻ lấy trứng ông Túc cho biết: tận dụng nguồn thức ăn ngoài khe, suối và cho thêm thức ăn như ốc,lúa…Với hơn 300 con vịt đẻ, trung bình mỗi đêm cho gia đình thu về gần 200 quả trứng, với giá bán hiện nay 3.500 trên quả cùng với việc kết hợp chăn nuôi trâu, bò lợn gà đã đem về nguồn thu đáng kể cho gia đình ông.
Ông Túc chia sẻ thêm: Mô hình nuôi vịt đẻ lấy trứng không khó, chủ yếu phải nắm vững kỹ thuật, chú ý từ khâu chọn giống đến chăm sóc cũng như phòng trừ dịch bệnh.
Đặc biệt là khâu chọn giống, nếu chọn được con giống tốt sẽ cho sản lượng trứng cao. Tóm lại, mô hình nuôi vịt đẻ lấy trứng là một mô hình hiệu quả đã và đang mang đến những triển vọng mới, tạo sinh kế mới, giúp bà con tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Bên cạnh đó, tận dụng nguồn nước trên sông Giăng, hiện nay ở đây nhiều hộ dân cũng đã phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, kết hợp du lịch sinh thái, góp phần tăng thu nhập. Tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, ông Vi Văn Đoàn là một trong những người đầu tiên áp dụng mô hình nuôi cá lồng trên sông Giăng. Với 3 lồng nuôi theo kiểu cuốn chiếu, mỗi năm gia đình ông Đoàn cung cấp cho thị trường khoảng 5 - 6 tạ cá trắm, bọp, thu lãi trên 50 triệu đồng.
Theo chia sẻ của ông Đoàn: “Cá lồng trên sông Giăng nhanh lớn, ít nhiễm bệnh vì nguồn nước ở đây rất đảm bảo, phù du trong nước và cỏ làm thức ăn cho cá rất phong phú. Người nuôi chỉ cần tìm nơi neo đậu an toàn phòng khi mưa lũ là có thể nuôi cá lồng thành công”.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, mô hình du lịch sinh thái ở địa phương phát triển, ông Đoàn đã mạnh dạn kết hợp nuôi cá lồng bè với làm du lịch. Trên cây, dưới cá, khách du lịch đến đây có thể cảm nhận được không khí yên bình cũng như thưởng thức món cá theo cách chế biến mang đậm hương vị của người Thái.
Ông Vi Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, khẳng định: Các mô hình nuôi vịt lấy trứng, hay nuôi cá lồng trên sông Giăng đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Điều đáng nói đây là những hộ trước có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng bằng ý chí, nghị lực họ đã vươn lên, phát triển kinh tế và làm giàu một cách bền vững.
“Chịu khó, đam mê, tìm hiểu kiến thức và quyết tâm” là kinh nghiệm mà ông Đoàn và anh Vi Viềng Anh muốn chia sẻ cùng bà con nông dân. Những mô hình như thế này đang mở ra cho người dân một hướng phát triển kinh tế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.