Xét xử vụ án 'Vạn Thịnh Phát' chiều 11/3: Trương Mỹ Lan đổ lỗi cho cấp dưới
Chiều 11/3, đại diện VKS tiếp tục xét hỏi nhóm bị cáo có hành vi phạm tội “Tham ô”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, là đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan.
Xoay quanh việc đối chứng với lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan, đại diện VKS liên tục cho gọi các bị cáo trong nhóm giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút ruột SCB để xét hỏi. Đa số các bị cáo này đều xác định bị cáo Lan là người chỉ đạo, điều hành ngân hàng SCB.
Đồng thời, các bị cáo trong nhóm giúp sức cho Trương Mỹ Lan cũng xác nhận việc bổ nhiệm các nhân sự cao cấp vào ngân hàng SCB giống như cáo trạng đã nêu.
Đại diện VKS hỏi bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc ngân hàng SCB) về việc rút tiền của SCB, bị cáo Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức. Sau đó đưa các cá nhân được thuê, nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty “ma” đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp, hầu hết là ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh máy sẵn.
Các đại diện pháp nhân và cá nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn, những người đứng tên tài sản đều xác nhận không phải tài sản của họ.
Bị cáo Dung khóc nói: “Sáng nay HĐXX hỏi, nghe bị cáo Lan trả lời mà bị cáo thất vọng quá. Ngày xưa anh Văn (Võ Tấn Hoàng Văn) nói, anh em mình không có tài làm chủ thì chọn chủ tốt mà thờ, nay nghe những lời của bị cáo Lan thì hoàn toàn thất vọng”.
Cáo trạng xác định, bị cáo Dung làm việc tại SCB từ tháng 5/2010 đến tháng 9/2022, trải qua nhiều vị trí, chức vụ. Từ ngày 7/1/2021 đến 4/3/2022, Trần Thị Mỹ Dung là Phó tổng giám đốc được phê duyệt cấp tín dụng đối với khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền, ký tờ trình đề xuất cấp tín dụng trình các khoản vay trên 0 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, Trần Thị Mỹ Dung trực tiếp nhận chỉ đạo, thường xuyên trao đổi, bàn bạc với Trương Mỹ Lan để truyền đạt, chỉ đạo các bị cáo tại SCB hợp thức hồ sơ khống, giải ngân để rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng.
Bị cáo Dung biết rõ các khoản vay của Trương Mỹ Lan nhưng đứng tên các cá nhân, công ty "ma" do các khoản vay này đều có điểm chung là được theo dõi trên hệ thống SCB là "HSTT - Hội sở tiếp thị"; giải ngân, rút tiền của SCB ra trước, sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay.
Thực tế các đơn vị tại SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định pháp luật. Năm 2021, Trần Thị Mỹ Dung được Trương Mỹ Lan cho 300.000 cổ phần SCB (tương đương 3 tỷ đồng).
Từ ngày 11/9/2019 đến ngày /8/2022, Trần Thị Mỹ Dung với vai trò được Tổng giám đốc ủy quyền thực hiện quyền hạn của Tổng giám đốc đã ký 395 Tờ trình tái thẩm định, 395 Biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở; 144 Tờ trình của Tổng giám đốc trình HĐQT đồng ý cho 394 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP, với 617 khoản vay tại SCB trái quy định pháp luật.
Cáo trạng thể hiện bị cáo Trần Thị Mỹ Dung đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 200.690 tỷ đồng.
Còn bị cáo Tạ Chiêu Trung (Tổng Giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú) khai được bà Trương Mỹ Lan giao theo dõi, quản lý biến động cổ đông tại Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, bị cáo này chỉ theo dõi riêng nhóm cổ đông đứng tên giùm bà Trương Mỹ Lan, vì SCB có số lượng cổ đông rất lớn.
Bị cáo Trung cho biết, được giao bảng theo dõi có sẵn thông tin người đứng cổ phần, khi có chuyển nhượng, thay đổi thông tin về người đứng tên cổ phần thì bị cáo sẽ cập nhật trên danh sách.
Về lời khai của bà Trương Mỹ Lan cho rằng, bị cáo Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc công ty Tường Việt) và các bị cáo thuộc SCB tự xử lý đối với khoản vay 1.500 tỷ đồng, bị cáo Trước khẳng định việc này có sự chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Trong quá trình hợp tác làm việc, bà Lan lúc nào cũng có một danh sách các dự án có dư nợ xấu ở Ngân hàng SCB. Bị cáo nhận thấy dự án Thanh Yến có pháp lý đầy đủ, bà Lan cũng đề nghị bị cáo Trước và Công ty Tường Việt nhận chuyển nhượng với giá 2.500 tỷ đồng.
Bị cáo Trước không phải thanh toán tiền, mà lập hồ sơ vay 3.500 tỷ đồng của SCB. Trong đó 2.500 tỷ đồng là tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến; 1.000 tỷ đồng để bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng và có trách nhiệm trả Ngân hàng SCB.
Sau khi lấy lại dự án Thanh Yến, bà Lan cũng nhiều lần hứa sẽ trả lại tiền cho bị cáo Trước nhưng chưa thực hiện.