Nâng dần trợ cấp xã hội cho người cao tuổi
Cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, song số có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp xã hội chiếm chưa đến một nửa. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất 2 phương án nâng dần mức chuẩn trợ cấp xã hội cho nhóm này cao hơn mức 360.000...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết hiện cả nước có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, hơn 5,4 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Hơn triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất 2 phương án tăng chuẩn trợ cấp xã hội, trong đó có nhóm người cao tuổi. Phương án 1 là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng từ 360.000 đồng/người lên 500.000 đồng, tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Phương án 2 là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng từ 360.000 đồng/người lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Việc nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội sẽ phần nào cải thiện đời sống cho người cao tuổi.
Trong năm nay, Bộ sẽ tổ chức nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện Luật Người cao tuổi; trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, theo hướng nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, mở rộng đối tượng trợ giúp xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ cũng phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện mục tiêu 100% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác người cao tuổi…
Hiện nay, người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ công ích của Nhà nước, qua thẻ ATM.
Đến nay, có 14 tỉnh, thành phố chủ động nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định cho khoảng 700.000 đối tượng, với kinh phí hơn 3.500 tỷ đồng; 32 tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, sống cô đơn được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Tuy nhiên chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi cũng còn hạn chế, ở mức thấp. Với mức chuẩn trợ cấp xã hội cho người cao tuổi hiện nay khoảng 360.000 đồng/tháng, chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, % chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo là 3,6%, cận nghèo là 11,6%, cao hơn bình quân chung cả nước.
Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, gồm: Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
Người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội theo quy định.