Đời sống

Trường Sa ngày mới

Bài và ảnh: TRẦN KIÊN - HẢI HÀ 14/03/20 - 06:47

Cách đây 36 năm, vào ngày 14/3/1988, trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Đó là minh chứng cho quyết tâm gìn giữ từng tấc đất, sải biển của ông cha ta để lại. Tiếp nối các thế hệ đi trước, quân dân cả nước luôn hướng về Trường Sa, chung tay, góp sức làm cho Trường Sa luôn mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về tình đoàn kết quân dân.

Trường Sa ngày mới ảnh 1
Lãnh đạo Quân chủng Hải quân cùng các đại biểu, kiều bào trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao (đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), trong chuyến thăm Trường Sa tháng 4/2023.

Tiếp nối truyền thống

Năm 2023, lần đầu tiên Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Thị Minh Thủy, ở Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, thuộc Bộ Tham mưu Hải quân đã thực hiện được tâm nguyện của mình khi được tham gia đoàn công tác đặt chân đến vùng biển Trường Sa, nơi cha mình cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu và nằm lại giữa biển khơi để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.

Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp Lê Thị Minh Thủy là con gái duy nhất của liệt sĩ Lê Đình Thơ. Đồng chí Thơ là một trong 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vào ngày 14/3/1988. Khi cha mất, Thủy mới được một tuổi chín ngày. Những gì thuộc về cha, Thủy chỉ được thấy qua những tấm hình, qua lời kể của ông, bà, các cô, chú, bạn bè, đồng đội của cha mẹ.

Khi lớn lên, Thủy muốn nối nghiệp cha và được sự quan tâm, tạo điều kiện của Quân chủng Hải quân, Thủy đã nộp hồ sơ vào Quân chủng. Sau đó, Thủy thi đỗ Trường đại học Mỏ-Địa chất, học ngành trắc địa bản đồ và sau đó trở về làm việc tại Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển - đơn vị nơi cha chị đã từng công tác.

Ra tới khu vực biển nơi cha hy sinh, chị Thủy cùng đoàn công tác làm lễ tưởng niệm, nhẹ nhàng thả xuống biển những con hạc giấy, những bông hoa cầu mong cho anh linh cha cùng 63 đồng đội yên nghỉ nghìn thu và luôn phù hộ độ trì trời yên, biển lặng. Chị Thủy hứa với cha mình: "Con sẽ tiếp tục giấc mơ của cha, vẽ nên những tấm hải đồ biển, đảo Việt Nam".

Khi buổi lễ kết thúc, chị Thủy đã nhờ một đồng đội lấy giúp một chút nước biển tại nơi này để mang về đưa lên bàn thờ cha. "Tôi tin cha sẽ hiểu điều tôi làm" - chị Thủy chia sẻ.

Đại úy Vũ Phi Trừ, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thuyền trưởng Tàu HQ 604, hy sinh khi các con anh còn rất nhỏ; trong đó con trai thứ hai chỉ mới một tuổi. Vũ Xuân Đăng và Vũ Xuân Khoa khi lớn lên đã trở thành người đồng đội, đồng chí chung khúc quân hành với cha mình.

Trong đó, Đại úy, quân nhân chuyên nghiệp Vũ Xuân Đăng, hiện là nhân viên Tàu 501, Lữ đoàn 955, Vùng 4 (Quân chủng Hải quân). Đại úy, Đăng đã có thời gian công tác ở đơn vị cha mình từng công tác là Lữ đoàn 125, Vùng 2 (Quân chủng Hải quân). Còn Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Xuân Khoa, hiện là Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Trung tâm Dịch vụ logistics Tân cảng, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân).

Vũ Xuân Khoa chia sẻ: "Hai anh em tôi luôn nhớ lời mẹ (bà Nguyễn Thị Tần, vợ liệt sĩ Vũ Phi Trừ) dạy, phải tiếp nối truyền thống gia đình, tiếp nối tấm gương anh dũng hy sinh của bố và đồng đội khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc".

Khi chúng tôi đang hoàn thiện bài viết này thì Đại úy, quân nhân chuyên nghiệp Vũ Xuân Đăng cũng đang tất bật cùng đồng đội chuẩn bị cho tàu hành trình ra Trường Sa. Vào dịp trung tuần tháng 3 này, anh Đăng sẽ cùng đồng đội tiếp tục hải trình qua nơi cha và đồng đội đã anh dũng hy sinh nằm lại nơi biển sâu.

Trường Sa ngày mới ảnh 1
Lãnh đạo Quân chủng Hải quân cùng các đại biểu, kiều bào trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao (đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), trong chuyến thăm Trường Sa tháng 4/2023.

Như giữa vùng quê đất liền

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài, Trường Sa đã và đang đổi thay từng ngày; trong đó hệ thống các công trình phục vụ dân sinh và bảo đảm quốc phòng, an ninh được củng cố, tu bổ vững chắc. Các làng chài, âu tàu bảo đảm cung ứng dịch vụ hậu cần, kỹ thuật cho các tàu qua lại, nhất là ngư dân ta tham gia khai thác hải sản gắn với gìn giữ, bảo vệ chủ quyền.

Bộ đội hải quân hỗ trợ nước ngọt, sửa chữa miễn phí những hỏng hóc phương tiện; giá nhiên liệu được bán bằng giá ở đất liền. Các bệnh xá, trung tâm y tế có đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên quân y bảo đảm cấp cứu, hỗ trợ y tế kịp thời cho các trường hợp cấp cứu; những trường hợp nặng Bộ Quốc phòng đều điều động máy bay đưa vào đất liền cứu chữa. Các trường học, nhà chùa phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân…

Trường Sa hôm nay đang từng ngày "thay da đổi thịt". Ông Trần Văn Minh, kiều bào Cộng hòa Liên bang Đức (thành viên đoàn kiều bào thăm Trường Sa năm 2023) chia sẻ: "Là kiều bào ở xa Tổ quốc, qua báo, đài, các phương tiện truyền thông đại chúng và đặc biệt được trực tiếp đến Trường Sa chứng kiến sự thật, chúng tôi rất tự hào về sự đổi thay ở Trường Sa hôm nay; đồng thời tin tưởng vào ý chí, nghị lực, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với đó, được chứng kiến cảnh vật, con người nơi đầu sóng, ngọn gió, sau chuyến công tác này, mỗi thành viên trong đoàn kiều bào chúng tôi về nước - nơi đang sinh sống sẽ truyền đạt cho nhiều kiều bào ta chưa có dịp ra thăm Trường Sa về sự thật, về tình cảm, sự hy sinh, gian khổ của bộ đội và nhân dân ở nơi đảo xa; đó cũng chính là sự kết nối tình cảm của người Việt Nam ở nước ngoài và đồng bào trong nước".

Trường Sa luôn không xa trong trái tim người con đất Việt. Đến Trường Sa, nghe tiếng chuông chùa văng vẳng giữa ngàn khơi, tiếng bi bô của các cháu nhỏ trong giờ học bài, tiếng chim hót vang khu hộ dân, doanh trại… người ta cảm thấy như đi giữa vùng quê trong đất liền. Những năm gần đây, Quân chủng Hải quân phát động Chương trình "Xanh hóa Trường Sa".

Chương trình có sức lan tỏa rộng khắp trong cả nước để giúp huyện đảo Trường Sa ngày càng xanh hơn. Vì thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, độ mặn lớn, gió mạnh quanh năm cho nên rất cần có nhiều cây xanh để tạo thành rừng cây giữa biển. Nhiều vùng, miền của Tổ quốc đã gửi tặng bộ đội Trường Sa các giống cây có sức sống mãnh liệt như cây bản địa ở Trường Sa (cây bàng quả vuông, cây tra, cây phong ba)...

Trong hải trình năm 2023, tổng số tiền ủng hộ cho Chương trình "Xanh hóa Trường Sa", cùng quà tặng quân và dân trên các điểm đảo, Nhà giàn DK1 của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đạt khoảng gần 1,7 tỷ đồng. Trong đó, phong trào mới "Xanh hóa Trường Sa" được bà con nhiệt liệt hưởng ứng tham gia, với mong muốn sắc xanh ngày càng phủ kín những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Từ nghị quyết nêu trên, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thông qua Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; đây là cơ sở vững chắc để tiếp tục xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa vững mạnh toàn diện, khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bi v ảnh: TRẦN KIÊN - HẢI HÀ