Chính trị

36 năm sự kiện Gạc Ma: Tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc

14/03/20 - 07:37

36 năm trước, vào ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

ttxvn_ava-tuong-dai-gac-ma.jpg
Tượng đài 'Những người nằm lại phía chân trời.' (Ảnh: Thùy Giang/TTXVN)

Ngày 14/3/20 tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma, 64 chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa.

36 năm đi qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm mà sự hy sinh của họ được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc.

Tinh thần chiến đấu của các anh là một nốt son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm.

Bản anh hùng ca vang vọng mãi trong lịch sử

36 năm trước, vào ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hình ảnh các chiến sỹ Hải quân Việt Nam hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, vẽ thành "Vòng tròn bất tử" mãi khắc ghi sử sách, viết nên bản anh hùng ca còn vang vọng mãi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha, nhắc nhớ con cháu phải quyết giữ vững từng tấc đất, lãnh thổ, hải giới mà ông cha đã không tiếc máu xương để bảo vệ.

ttxvn_gac-ma-8.jpg
Tàu HQ-505, con tàu duy nhất không bị chìm do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ quyết định cho tàu 'ủi bãi' lên đảo Cô Lin sau khi bị tàu địch bắn cháy, trở thành cột mốc chủ quyền sống của Việt Nam. Đảo Cô Lin vì thế được giữ vững đến hôm nay. Với chiến công oanh liệt, tàu HQ-505 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Chủ quyền quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm. Các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao công sức, máu xương để xác lập chủ quyền, giữ gìn lãnh thổ, các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cách đây hàng trăm năm, những người con ưu tú của nước Việt Nam đã vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, xả thân giữa biển khơi mênh mông vì chủ quyền đất nước. Những câu ca lưu truyền trong dân gian còn tới hôm nay, như: "Hoàng Sa đi có về không-Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi" là minh chứng cụ thể nhất cho sự quả cảm, các kỳ tích mà họ đã lập nên.

Khâm phục biết bao và cũng xúc động biết bao khi được biết trước khi thuyền nhổ neo, mỗi người sẽ chuẩn bị một đôi chiếu, bảy sợi dây mây, bảy đòn tre để nếu hy sinh thì đồng đội bó lại, gắn tấm thẻ tre ghi tên tuổi, quê quán rồi thả xuống biển, cầu mong nếu thân xác may mắn dạt được vào bờ, người trong đất liền biết đó là ai!

Chính vì "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn - Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây" mà trong nhiều thế kỷ trước, triều đình đã có sắc truy phong một số cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là "Thượng đẳng thần" và những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là "Hùng binh Hoàng Sa."

ttxvn_dao-chim.jpg
Chiến sỹ đảo Chim (quần đảo Trường Sa) canh gác bảo vệ đảo. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tinh thần quả cảm, quyết tâm vô hạn, dũng cảm phi thường của thế hệ ông cha lại được thế hệ sau nối tiếp. Ngày 14/3/1988, 64 người lính bảo vệ đảo Gạc Ma, trong cuộc chiến không cân sức, đã vĩnh viễn nằm xuống dưới làn mưa đạn.

Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14/3/1988 là cuộc chiến không cân sức. Nơi đầu sóng, ngọn gió, phương tiện vũ khí hạn chế, không có bờ đất, công sự che thân, nhưng với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng trên 3 con tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 và lực lượng bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

ttxvn_gac-ma-3.jpg
Tàu HQ-604 rời đất liền ra Trường Sa làm nhiệm vụ, chỉ 3 ngày trước cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền và bị tàu địch bắn chìm tại Gạc Ma, ngày 14/3/1988. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Trước sự tấn công dùng sức mạnh quân sự áp đảo nhằm uy hiếp tinh thần, các cán bộ chiến sỹ của chúng ta rất gan dạ, kiên cường, dũng cảm, kiên quyết bám tàu, bám đảo để bảo vệ cờ, bảo vệ đảo.

Sau khi uy hiếp nhưng không làm lay chuyển được tinh thần cán bộ chiến sỹ của ta, các tàu chiến của địch đã dùng súng, pháo bắn thẳng vào tàu của chúng ta, làm tàu HQ 604 bốc cháy và chìm rất nhanh.

Tại đảo Gạc Ma, các cán bộ chiến sỹ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc, lấy thân mình quyết tâm giữ đảo.

"Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” - câu nói của Anh hùng liệt sỹ, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma lúc ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Các cán bộ chiến sỹ Hải quân đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

ttxvn_vong-hoa.jpg
Chiếc vòng hoa thả xuống biển tại Quần đảo Trường Sa để tưởng nhớ các chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi. (Ảnh: Thùy Giang/TTXVN)

64 người lính bảo vệ đảo Gạc Ma đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu của các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ.

Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng...

Sự kiện lịch sử Gạc Ma đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ nét phẩm chất những chiến sỹ cách mạng kiên trung, những người con ưu tú của đất nước, sẵn sàng xả thân, không lùi bước, quyết lấy máu mình để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

64 người lính bảo vệ đảo Gạc Ma đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu của các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ.

"Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng." Đó chính là lời mà những người cựu binh Gạc Ma luôn tự nhắc nhở mình và đồng đội suốt nhiều năm qua.

ttxvn_gac-ma-2.jpg
Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và Trung ương Đoàn dâng hương tại đài tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Giờ đây, mỗi tàu ra Trường Sa đều thực hiện nghi thức thả hoa để tưởng niệm những liệt sỹ đã ngã xuống trong trận chiến ngày 14/3/1988.

Từ mái đầu bạc đến mái đầu xanh; từ những người vào sinh ra tử qua hai cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính; từ những người lăn lộn với biển, đảo sống sót trở về đến những người lần đầu tiên đến đây đều không cầm được nước mắt, khi thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ.

Nghi thức tưởng niệm ấy có cả bi thương xen lẫn tự hào. Nhưng cuộn gói tất cả trong đó là nghĩa cử tri ân, là lời khẳng định không ai quên khúc bi tráng Gạc Ma, không ai quên những người lính đã kiên cường bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.

ttxvn_gac-ma-6.jpg
Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Vượt lên những mất mát, hy sinh... thế hệ sau nối tiếp cha ông, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ra Trường Sa để bảo vệ biển đảo của đất nước, như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Tiếng hát xuân sang”: “Lớp cha trước lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành." Sự nối tiếp không bao giờ ngừng nghỉ...

Đã 36 năm trôi qua, 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân quả cảm vẫn còn nằm lại dưới lòng biển Tổ quốc. Sau nhiều năm, Đài tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma đã được xây dựng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa để mãi mãi khắc ghi và tưởng nhớ những chiến sỹ đã ngã xuống nơi đây.

Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 3/20 và hoàn thành vào 7/2017, với tổng mức hơn 130 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn và nhân dân cả nước.

Tại đây có tượng đài “Chiến sỹ Gạc Ma” cao hơn mét, mang chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời," lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sỹ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988…

Những ngày tháng Ba này, khu tưởng niệm Gạc Ma liên tục có các đoàn khách, học sinh, sinh viên và thân nhân liệt sỹ Gạc Ma đến dâng hương. Bình quân mỗi tháng có khoảng từ 4.000-5.000 lượt khách tham quan, hành hương; cao điểm các tháng Ba, tháng Bảy và tháng 12 tăng đến 6.000-7.000 lượt/tháng.

Từ khu tưởng niệm nhìn về phía biển, những người con đất Việt thầm nhắn gửi lời tri ân tới những chiến sỹ quả cảm, những người con đã anh dũng hy sinh cả tuổi trẻ và tính mạng của mình vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ hôm nay./.

ttxvn_gac-ma-4.jpg
Toàn cảnh khu tưởng niệm Gạc Ma, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa - địa chỉ đỏ tri ân, tưởng nhớ 64 chiến sỹ Gạc Ma đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. (Ảnh: TTXVN phát)