Bất động sản

Tăng tỷ lệ phát triển nhà xã hội cho thuê lên 30-40%

Trang Nhi 16/03/20 - 10:57

Theo các chuyên gia, nên phát triển theo hướng xây rồi cho thuê nhà ở xã hội thay vì mua bán để người dân có nhà ở giá rẻ.

Tại Hà Nội và TP.HCM, hiện giá nhà bình dân đã nâng lên 20-30%, ở mức 2 tỷ - 2,4 tỷ đồng/căn. Mức giá này khiến rất nhiều người không thể mua.

nha-o-xa-hoi-2(1).jpg
Theo các chuyên gia, nên phát triển theo hướng xây rồi cho thuê nhà ở xã hội thay vì mua bán để người dân có nhà ở giá rẻ.

Trước thực trạng giá nhà tăng cao, gấp nhiều lần thu nhập của người dân, các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp để người dân có nhà ở giá rẻ là phát triển hình thức cho thuê nhà ở xã hội (NƠXH).

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng đề nghị tăng tỷ lệ phát triển nhà xã hội cho thuê lên 30-40%.

Trước đây, Luật Nhà ở năm 2014 quy định chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà xã hội trong dự án để cho thuê. Tuy nhiên, có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, dẫn đến các căn hộ để không gây lãng phí. Tại nhiều thủ phủ công nghiệp, nhu cầu mua nhà rất ít dẫn đến nhiều nhà xã hội ế ẩm trong khi nhu cầu thuê rất lớn.

Luật Nhà ở 2023 đã cho phép chủ đầu tư không phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà xã hội trong dự án để cho thuê, song không quy định cụ thể tỷ trọng bán và cho thuê trong mỗi dự án nhà xã hội.

Theo ông Hà, mục tiêu của chương trình phát triển nhà xã hội là làm sao người dân đều có nhà ở, tuy nhiên phần lớn tâm lý người Việt đều muốn sở hữu nhà riêng. Ông cho rằng nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, bởi việc mua bán nhà xã hội sẽ khó đảm bảo nhu cầu của người thu nhập thấp khi chênh lệch thu nhập đang khá lớn.

Chuyên gia gợi ý kinh nghiệm quốc tế là tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê thông qua các Quỹ tín thác bất động sản - REIT. Khi đầu tư vào kênh này, tài sản của người dân xây nhà cho thuê vẫn còn, lợi nhuận có thể thấp hơn một chút nhưng an toàn, bền vững.

Cùng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần quy định 100% nhà ở xã hội là để cho thuê. Ông cho biết, ở Đức chỉ hỗ trợ thuê nhà, không hỗ trợ người mua nhà. Còn chiến lược phát triển nhà ở xã hội ở nước ta hiện chưa thiết kế trên tư duy cho thuê. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta chưa có thống kê về đối tượng mua nhà ở xã hội. Loại nhà này đang bán cho ai? Thu nhập thực tế của họ bao nhiêu, phân phối thu nhập và khả năng chi trả của họ như thế nào?

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, nếu không nghiên cứu kỹ, chúng ta dễ gặp hệ lụy, bán không đến được đúng đối tượng, đối tượng không có khả năng mua, nếu để họ mua thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì phần lớn thu nhập để trả các khoản vay.

Về giải pháp thúc đẩy nhà ở vừa túi tiền, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, kiến nghị cần có chính sách, cơ chế tặng điểm thưởng và tích lũy điểm thưởng cho các chủ đầu tư tạo lập nhà ở bình dân. Chuyên gia cũng đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy trình, công nghệ mới cũng như thiết kế mẫu cho nhà ở vừa túi tiền, góp phần giảm chi phí đầu tư xây dựng, giúp hạ giá nhà.

Từ đầu năm đến nay, nhiều cuộc họp giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ và doanh nghiệp đã được tổ chức nhằm đẩy nhanh tiến độ đề án xây một triệu căn nhà xã hội. Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho biết việc đầu tư nhà xã hội tại nhiều địa phương còn hạn chế. So với mục tiêu đến năm 2025 của đề án, nhiều thành phố trọng điểm như TP. HCM, Hà Nội chưa đạt được 20% chỉ tiêu. Việc giải ngân gói 120.000 tỷ đồng còn rất chậm, chưa được 1% dù đã triển khai được hơn 10 tháng.

Trang Nhi