Lễ rót đồng đúc phù điêu “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô”
Ngày 17/3, tại Nam Định, TANDTC tổ chức Lễ rót đồng đúc phù điêu “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô” thuộc hạng mục Phù điêu - Mỹ thuật dự án trùng tu trụ sở TANDTC. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC chủ trì buổi Lễ.
Dự buổi Lễ có đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội.
Cùng dự có các đồng chí Phó Chánh án, Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC; Chánh án TAND 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm.
Dự án trùng tu trụ sở làm việc TANDTC (số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được đầu tư xây dựng với mục tiêu đảm bảo tính đồng bộ, hài hòa giữa các hạng mục công trình trong khuôn viên, phát huy giá trị của Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia, góp phần làm tăng mỹ quan đô thị. Trong đó, một khoảng không gian lớn trong khuôn viên của trụ sở được dành để tạo không gian tưởng nhớ tới đồng bào, chiến sĩ anh dũng hy sinh trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến.
Phát biểu tại buổi Lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngày hôm nay, cách đây 94 năm (17/3/1930 - 17/3/20), Đảng bộ thành phố Hà Nội đã được thành lập. Tổ chức Lễ rót đồng đúc phù điêu “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô” để tưởng nhớ tới đồng bào và chiến sĩ đã ngã xuống trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến hết sức có ý nghĩa.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
Thủ đô Hà Nội ngày ấy “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”. Nhân dân Thủ đô không quản hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù.
Trong 60 ngày đêm, quân và dân Thủ đô chiến đấu rất là oanh liệt, dũng cảm và nhiều hy sinh, đồng thời đã sản sinh ra những khẩu hiệu bất hủ phản ánh được hào khí dân tộc như “Thà chết không chịu làm nô lệ”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Khoảng thời gian đó, các phóng viên chiến trường trong nước và quốc tế đã ghi lại những hình ảnh chiến đấu rất là dũng cảm cũng như những câu chuyện rất xúc động của quân và dân Thủ đô.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, lịch sử đã qua đi nhiều năm tháng, nhưng có ít công trình lưu lại những khoảng thời gian rất hào hùng, chiến đấu với tinh thần ngoan cường và sự hy sinh to lớn của quân và dân Thủ đô ngày đấy. Để tri ân những cống hiến đó, sau khi lấy ý kiến các nhà sử học và ý tưởng của nhà điêu khắc, trụ sở TANDTC đã dành một phần diện tích trong khuôn viên để làm công trình này.
“Công trình là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho các thể hệ sau. Cùng với tòa nhà làm việc mới, được coi là một trong những điểm nhấn của Thủ đô, trụ TANDTC hội tụ những điều đặc biệt, không chỉ là công trình bảo tồn kiến trúc và nghệ thuật mà còn tô thêm vẻ đẹp cho Hà Nội”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Bức phù điêu dựa trên những hình ảnh có thật do các phóng viên đã ghi lại trong 60 ngày đêm chiến đấu này. Trong đó, có những bức ảnh người dân Thủ đô mời bộ đội vào phá nhà của mình để lập chiến hào kháng chiến, hay mang những đồ quý giá nhất của gia tộc như: Bàn thờ, sập, tủ… ra để lập những chiến lũy trên đường ngăn cản bước tiến quân thù; những trận chiến đấu ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch; quân Pháp bị chặn đứng trên đường Thủ đô, bị tiêu diệt, bị bỏ chạy; quân Thủ đô được lệnh rút lui lên Việt Bắc an toàn…
Phần công trình được thể hiện một âm dưới đất, gồm 30 bậc đi xuống và 30 bậc đi lên, thể hiện 60 ngày đêm. Trên khuôn viên của công trình tưởng niệm có 60 cây hoa ban, gắn liền với Việt Bắc.
Cùng với Nhà hát Lớn Hà Nội, Phủ Chủ tịch, trụ sở TANDTC (số 48 Lý Thường Kiệt) được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1911 là công trình di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia được bảo tồn của Hà Nội.