Bị hại vụ Tân Hoàng Minh mong sớm nhận lại tiền
Trong ngày làm việc thứ 4 của phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh, các bị hại trong vụ án tiếp tục nêu ý kiến và đều có mong muốn sớm nhận lại được số tiền đã đầu tư vào Tân Hoàng Minh.
Là một trong số những bị hại trong vụ án xảy ra tại Tân Hoàng Minh, bà Nguyễn Thị L. cho biết, hợp đồng mua trái phiếu giữa nhà đầu tư và Tân Hoàng Minh là hợp đồng dân sự và nhà đầu tư cũng như Tân Hoàng Minh đã và đang thực hiện hợp đồng.
Theo cáo trạng của VKS thì Tân Hoàng Minh đã tích cực tự nguyện đóng 2/3 giá trị trái phiếu đã phát hành để nộp đủ cho Cơ quan CSĐT hơn 100% gái trị trái phiếu đã phát hành là điều khó có doanh nghiệp nào thực hiện được.
Theo bà L. hiện nay nguồn tiền đã đủ trả cho những người mua trái phiếu Tân Hoàng Minh và hiện đang nằm trong Kho bạc nhà nước, người mua trái phiếu của doanh nghiệp chậm nhận lại tiền ngày nào là khổ ngày đấy.
Vì thế, bị hại này rất mong HĐXX làm rõ bởi trước mắt mọi người rất mong được nhận lại tiền gốc của mình. Còn phần lãi, bà L. đề nghị VKS và HĐXX cân nhắc xử lý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người mua trái phiếu Tân Hoàng Minh theo đúng pháp luật.
Đối với yêu trên, theo VKS, về yêu cầu số tiền gốc theo hợp đồng mua bán trái phiếu của bị hại với Tân Hoàng Minh xác định là số tiền chiếm đoạt do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo nên có căn cứ để chấp nhận.
Đối với yêu cầu của một số bị hại liên quan đến khoản lãi theo hợp đồng mua bán trái phiếu, tiền lãi phạt chậm trả, VKS xét thấy việc phát hành 9 gói trái phiếu của Tân Hoàng Minh và bán ra cho các nhà đầu tư được xác định là vi phạm pháp luật nên 9 gói trái phiếu này đã bị hủy theo quy định của pháp luật.
Do vậy hợp đồng mua bán trái phiếu giữa các bị hại với Tân Hoàng Minh là vô hiệu và cần giải quyết theo quy định của đối với giao dịch dân sự vô hiệu.
Với nhiều bị hại khác trong vụ án cùng nêu ý kiến và đều có mong muốn chung là sớm được tòa tuyên trả lại số tiền mà họ đã đầu tư vào Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Viện kiểm sát xác định bị cáo Đỗ Anh Dũng là người giữ vai trò chỉ đạo toàn bộ hoạt động phát hành 9 gói trái phiếu để huy động tiền trái pháp luật cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông qua con trai là Đỗ Hoàng Việt với vai trò người tham mưu đề xuất, thực hành theo chỉ đạo, giúp sức tích cực cho Đỗ Anh Dũng để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, hơn 8.643 tỷ đồng.
Các bị cáo còn lại là vai trò đồng phạm giúp sức và thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Dũng và bị cáo Việt, làm công hưởng lương, không được hưởng lợi từ hành vi chiếm đoạt tiền của các bị hại.
Đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định, cáo trạng của VKSNDTC truy tố các bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Trước đó, sau khi luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo, đại diện VKS cũng đã đề nghị về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng trong vụ án.
Theo đó, các bị cáo có trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 8.643 tỷ đồng đã chiếm đoạt, theo quy định của pháp luật.
Đối với số tiền 8.645 tỷ đồng đã thu hồi, VKS đề nghị: Căn cứ khoản 2 Điều 47, khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự, đề nghị xử lý bồi thường cho các bị hại số tiền hơn 8.643 tỷ đồng, là tiền thu hồi từ tiền trái phiếu đã sử dụng và kết quả hợp tác của bị cáo Đỗ Anh Dũng, Đỗ Hoàng Việt cùng các bị cáo khác để khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật;
Số tiền 1.296,1 tỷ đồng là tiền 13 bị cáo còn lại, các tổ chức liên quan nộp khắc phục, đề nghị tiếp tục tạm giữ để bảo đảm thi hành án, gồm các khoản: Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội nộp 9,5 triệu đồng là khoản tiền phí dịch vụ kiểm toán đối với Báo cáo tài chính Công ty Cung điện Mùa Đông do bị cáo Lê Văn Dò thực hiện; Bà Phan Thị Kim Huệ - vợ bị cáo Phan Anh Hùng nộp 149,6 triệu đồng để khắc phục hậu quả cho bị cáo Phan Anh Hùng; Bị cáo Bùi Thị Ngọc Lân nộp 272 triệu đồng để khắc phục hậu quả, trong đó có 2 triệu đồng là khoản tiền phí dịch vụ kiểm toán đối với Báo cáo tài chính 2 Công ty Ngôi Sao Việt và Soleil;
Các bị cáo còn lại và người nhà nộp khắc phục cho bị cáo: Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Văn Thịnh, mỗi người nộp 100 triệu đồng; Trần Hồng Sơn, Lê Văn Dò, Nguyễn Văn Khẩn, Nguyễn Thị Hải mỗi người nộp 50 triệu đồng;...
VKS cũng đề nghị trả lại cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, bị cáo Nguyễn Khoa Đức, bị cáo Hoàng Quyết Chiến các tài sản gồm: 8 quyển sổ, tài liệu ghi chép đã thu giữ, 2 máy tính xách tay, 16 ổ cứng theo danh sách vật chứng thu giữ đã chuyển đến Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội.
Về tài sản kê biên, phong tỏa: Các bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản, căn cứ điểm d khoản 1 Điều 130 Bộ luật Tố tụng hình sự, VKS đề xuất hủy bỏ kê biên, phong tỏa giao dịch đối với tài sản là 8 căn hộ, nhà, đất; tài khoản chứng khoán, số dư tiền trên tài khoản của các bị cáo, người liên quan trong vụ án. Cụ thể:
Tài sản kê biên là căn hộ chung cư, nhà, đất đối với 5 bị cáo: Lê Văn Thịnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Hồng Sơn, Nguyễn Khoa Đức và Phùng Thế Tính.
Các tài khoản chứng khoán bị phong tỏa (gồm cả chứng khoán chưa lưu ký), tiền trên các tài khoản chứng khoán đối với 10 bị cáo (Đỗ Anh Dũng, Đỗ Hoàng Việt, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Hồng Sơn, Nguyễn Khoa Đức, Phùng Thế Tính, Lê Văn Thịnh, Hoàng Quyết Chiến, Vũ Lê Vân Anh, Lê Thị Mai) và 2 cá nhân liên quan (Đỗ Hoàng Minh, Nguyễn Anh Sa) theo Quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Các tài khoản ngân hàng bị phong tỏa số dư tiền đối với 3 bị cáo: Hoàng Quyết Chiến, Vũ Lê Vân Anh, Lê Thị Ma.