Tội phạm tuổi vị thành niên có dấu hiệu gia tăng đáng lo ngại
Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp tỉnh TT-Huế từ đầu năm 20 đến nay, Trung tâm đã thực hiện thụ lý và cử Trợ giúp viên pháp lý, tham gia tố tụng tại các cơ quan tố tụng các cấp và tư vấn 137 vụ việc. Trong đó án trẻ em chưa đến tuổi vị thành niên chiếm hơn 75%.
Đây là một tín hiệu đáng báo động về tình trạng phạm tội của lứa tuổi vị thành niên trên địa bàn. Những vụ án này không chỉ giới hạn ở các hành vi gây rối trật tự công cộng, hành vi cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản và quan trọng nhất là tội phạm liên quan đến tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy, một dấu hiệu đặc biệt đáng lo ngại.
Điều này cho thấy một xu hướng nguy hiểm đang nhen nhóm trong giới trẻ, khi chất ma túy không chỉ là nguyên nhân trực tiếp gây ra các hành vi phạm tội mà còn là nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng của các hành vi tiêu cực khác.
Ngày 06/03, TAND TP.Huế đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý” diễn ra trên địa bàn TP Huế, đối với hai bị cáo Ngô Viết Hoàng (SN 1997, trú tại phường Trường An) và Bùi Công Đạt (SN 2007, trú tại phường Thuận Lộc). Trong hai bị cáo đứng trước tòa, có một trường hợp chưa tới tuổi thành niên.
Trong quá trình xét hỏi các bị cáo cũng ý được hành vi của mình là sai trái, thừa nhận các tội danh của mình trước tòa và mong muốn được HĐXX xem xét, tạo cơ hội cho các bị cáo được hưởng mức án thấp nhất để về với gia đình để làm lại cuộc đời.
Việc xử lý nghiêm túc các trường hợp liên quan đến ma túy ở trẻ em dưới vị thành niên là một yếu tố then chốt trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng này trong cộng đồng.
Sau khi các bị cáo được nói lời sau cùng, HĐXX nhận thấy cần cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhằm mục đích giáo dục và để các bị cáo nhận thấy hành vi của mình là hoàn toàn sai trái, nên đã tuyên phạt Ngô Viết Hoàng 6 năm tù, Bùi Công Đạt 1 năm tù.
Ngoài ra, tình trạng trẻ dưới vị thành niên tham gia vào các vụ án liên quan đến trộm cắp và cố ý gây thương tích cũng ngày càng gia tăng, nhất là hình thành các nhóm đông người, hẹn nhau để giải quyết mâu thuẫn. Điều này cho thấy sự mất kiểm soát và thiếu nhận thức về hậu quả của hành vi của nhóm đối tượng này.
Ngày 22/03, TAND tỉnh TT-Huế tổ chức xét xử phúc thẩm đối với 3 bị cáo Phan Văn Bảo An (SN 2006), Đoàn Trọng Hiếu (SN 2005), Võ Ngọc Huy (SN 2005) về tội “Trộm cắp tài sản”, cả ba đều sống tại TP.Huế.
Ba bị cáo đứng trước toà tuổi đời còn rất trẻ, riêng Phan Văn Bảo An khi phạm tội chưa tới tuổi thành niên.
Qua quá trình xét hỏi, HĐXX nhận thấy các hành vi của bị cáo chưa đặc biệt nghiêm trọng, chưa cần cách ly khỏi xã hội và tạo cơ hội để các bị cáo làm lại cuộc đời nên HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phan Văn Bảo An 7 tháng tù, Võ Ngọc Huy 5 tháng tù, Đoàn Trọng Hiếu 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh về tầm ảnh hưởng tiêu cực của môi trường xã hội và gia đình đối với hành vi của trẻ em. Việc thiếu sự quan tâm và giáo dục đúng đắn từ phía gia đình cũng như xã hội có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến việc trẻ em rơi vào tình trạng lạc lối và tham gia vào các hành vi phạm tội.
Trước thực tế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, gia đình và cộng đồng để ngăn chặn và giải quyết. Cần có ngay những biện pháp cụ thể và hiệu quả trước khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, việc tăng cường giáo dục về phòng chống ma túy cũng như giáo dục đạo đức và pháp luật cho trẻ em từ khi còn nhỏ là cần thiết để ngăn chặn những hành vi phạm tội trong tương lai.