Thị trường xuất bản phẩm điện tử trong nước đã bắt đầu bắt nhịp khu vực
Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xử lý 25 xuất bản phẩm vi phạm trong năm 2023 (giảm 3,8%).
Đó là con số được đưa ra trong báo cáo của Cục này tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm 20 (Hà Nội, ngày 22/3).
Trên cơ sở kết quả đọc, kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiểu trên 1.100 xuất bản phẩm và qua thông tin phản ánh, kiến nghị, Cục đã xử lý 25 xuất bản phẩm vi phạm (giảm 3,8%).
Trong đó, có 21 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung (giảm 16%) và 4 xuất bản phẩm vi phạm khác (tăng 4 lần).
Các vi phạm nội dung tập trung vào các vấn đề như: nhận định không phù hợp về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về tình hình văn hóa, xã hội, tôn giáo của đất nước hiện nay; đề cập đến vấn đề phức tạp, nhạy cảm một cách thiếu khách quan, dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội; sai sót về các sự kiện, thời gian lịch sử; đưa ra những nhận định chưa được kiểm chứng về một số nước trên thế giới, có thể ảnh hưởng đến vấn đề ngoại giao của VN với các nước.
Trong khi đó các vi phạm khác thường tập trung vào việc sách chưa nộp lưu chiểu nhưng đã phát hành; ghi sai thông tin phải ghi trên xuất bản phẩm.
Về lượng phát hành, Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn tác động lớn đến khả năng chi trả, mua xuất bản phẩm trên thị trường. Điều này khiến các đơn vị bị hạn chế doanh thu.
Tuy nhiên, trong đó, xuất bản phẩm điện tử lại có sự thay đổi tích cực. Đây là hoạt động nổi bật, mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của ngành.
Doanh thu sách nói tăng trưởng tốt với tổng doanh thu 2022 - 2023 khoảng 116,1 tỉ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra. Thị trường xuất bản phẩm điện tử trong nước đã bắt đầu bắt nhịp khu vực.