Tháng 3/20: Cả nước đã phát sinh 38 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 3/20, cả nước phát sinh 38 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại 31 huyện của 20 tỉnh, thành phố; số lợn mắc bệnh là 816 con và số lợn chết, phải tiêu hủy là 771 con.
Tính từ đầu năm đến hiện tại thì cả nước đã xảy ra tổng cộng 138 ổ dịch ở 30 tỉnh, thành phố; số lợn mắc bệnh là 4.149 con và số lợn chết, phải tiêu hủy là 4.486 con.
Nếu so với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch có chiều hướng gia tăng; số lợn mắc bệnh giảm và số lợn chết, phải tiêu hủy cũng giảm. Hiện cả nước có 41 ổ dịch tại 19 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, các địa phương khuyến khích người dân chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
Để đảm bảo sức khỏe cho đàn lợn, việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ là rất quan trọng. Cần chú ý đến việc tiêm các loại vắc xin như vắc xin dịch tả lợn, tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm long móng phù hợp với từng loại lợn và từng độ tuổi. Trong trường hợp nghi ngờ về nhiễm bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, cần lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Nếu kết quả xác định là dương tính, không nên thực hiện điều trị mà cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh.