Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng vào ngày 22/4
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Đào Xuân Tuấn cho biết nội dung trên và khẳng định, chiều nay (19/4), Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo tới doanh nghiệp vàng đủ điều kiện đấu thầu.
Đấu thầu vàng miếng tăng cung cho thị trường, đảm bảo cung - cầu
Ngày 19/4, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I của Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Thứ Hai ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu vàng.
Theo đó, ngay vào chiều nay (19/4), Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo tới doanh nghiệp vàng đủ điều kiện đấu thầu.
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước "Thời gian qua, NHNN đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công tác đấu thầu vàng miếng SJC đã sản xuất và có sẵn trong kho".
Liên quan việc đấu thầu vàng, trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng đã thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng, nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch và hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi thông báo trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu.
Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. 1 giờ sau khi đóng thầu Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.
Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17 giờ ngày nhận thông báo thầu.
Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.
Trong số đó, đến thời điểm này có khoảng đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Về chính sách với thị trường vàng, tại cuộc họp báo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Đào Xuân Tuấn cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định . Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến các bộ, ngành, và giải trình về chủ trương nên sửa đổi Nghị định , đánh giá mặt tích cực của Nghị định và kiến nghị sửa đổi để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. "Tập trung vào việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác, chứ không phải chỉ có vàng miếng SJC", ông Đào Xuân Tuấn nhấn mạnh.
Về tăng cung vàng miếng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối nêu rõ: Đã cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Đã có quy định về sản xuất và nhập khẩu vàng. "Với doanh nghiệp có hợp đồng gia công sản xuất với nước ngoài thì việc nhập khẩu vàng nguyên liệu đang được thực hiện và không có vướng mắc gì", ông Đào Xuân Tuấn cho biết.
Ở một khía cạnh, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát sao, chặt chẽ các diễn biến trên thị trường vàng trong nước và quốc tế để có các giải pháp điều chỉnh phù hợp. Hiện giá vàng trên thế giới đang leo theo do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tâm lý của người dân, những diễn biến phức tạp về địa chính trị, chiến tranh căng thẳng, giá dầu tăng cao. Do đó, giá vàng tại Việt Nam cũng chịu tác động lớn từ giá vàng quốc tế.
"Việc đấu thầu vàng miếng sẽ góp phần cung ứng thêm lượng vàng ra thị trường, đảm bảo cung - cầu", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
Các đơn vị chức năng tăng cường quản lý thị trường vàng
Cũng tạo cuộc họp, liên quan đến thông tin có một số cửa hàng vàng đóng cửa, ông Đào Xuân Tuấn cho biết: Đây là trách nhiệm chung của các bộ, ngành có liên quan như Quản lý thị trường, Bộ Tài chính… chứ không phải của riêng Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có các văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quản lý thị trường vàng, đồng thời có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện các nhiệm vụ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính phối hợp, yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này.
Bên cạnh đó, tiếp tục cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để Ngân hàng Nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý thị trường vàng hiệu quả.
Bộ Tài chính, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ đấu thầu.
Với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đề nghị phối hợp thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...
Ngoài ra, phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công Thương, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý thị trường; kịp thời phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật liên quan và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, không xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá.
Đặc biệt, thực hiện đúng chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; áp dụng hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động mua, bán vàng, đặc biệt là mua, bán vàng miếng.
Với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ngân hàng Nhà nước yêu cẩu khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn (Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và công nghệ, Công an…) tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của các đơn vị; xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng theo thẩm quyền (nếu có).
Sáng nay, giá vàng thế giới đã lên mức 2.382 USD/ounce, tiếp tục tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị gia tăng trên thế giới, các nhà đầu tư tăng trú ẩn vào vàng. Theo dự báo của giới chuyên gia thế giới, nếu xung đột tiếp tục leo thang, giá vàng có thể tăng lên mức 2.500 - 2.600 USD/ounce. Ngược lại, nếu có lệnh ngừng bắn thì giá vàng có thể giảm xuống còn 2.200 USD/ounce.
Cùng thời điểm này, tại thị trường trong nước giá vàng nhẫn, vàng trang sức K các loại tăng tiếp theo giá thế giới, lên mức 75 triệu đồng/lượng mua vào, 76,9 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 300.000 đồng so với sáng hôm qua. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC sáng nay lại giảm. Hiện Công ty vàng SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 81,8 triệu đồng/lượng, bán ra 83,8 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 200.000 đồng so với sáng hôm qua. Biên độ chênh lệch giá mua vào - bán ra đối với cả vàng nhẫn lẫn vàng SJC đều được giãn rộng lên mức 2 triệu đồng.
Biến động ngược chiều của giá vàng SJC với thế giới giúp biên độ chênh lệch thu hẹp đáng kể. Hiện, giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 74 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn khoảng 3 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC chưa tới 10 triệu đồng/lượng.