Giáo dục

Học sinh vi phạm Luật An toàn giao thông - Lỗi tại ai?

Gia Ân-Hoàng Yến 21/04/20 - 10:38

Mặc dù lực lượng chức năng và ngành giáo dục thường xuyên phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông nhưng tình trạng học sinh THPT vi phạm luật giao thông vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này.

Thực trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định hay hình ảnh học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi cho phép vào đầu giờ sáng hay giờ tan học. Và khi bị bắt, các em luôn có lý do để biện minh cho hành động của mình. Em Nguyễn Khánh L, học sinh trường THPT Đông Hiếu thị xã Thái Hòa (Nghệ An) là một trong số trường hợp như thế.

Em cho biết: "Lỗi của em là điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi và không đội mũ bảo hiểm. Tại nhà em xa với vội vội nên em mượn xe máy để đi học cho kịp giờ”.

4(1).jpg
Lực lượng Công an phối hợp với nhà trường xử lý các trường hợp học sinh vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh bất ngờ, vì không nghĩ rằng con mình khi ra ngoài lại vi phạm những lỗi sơ đẳng, thuộc về ý thức như vậy. Chị Cao Thị Huế, một phụ huynh có con vi phạm luật giao thông đường bộ cho hay: "Khi ở nhà bố mẹ nhắc nhở thì trước mặt bố mẹ cháu đội mũ bảo hiểm đầy đủ. Nhưng không ngờ khi vắng mặt bố mẹ các cháu lại như vậy. Gia đình sẽ giáo dục cháu thêm”.

Để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho các em học sinh, lực lượng chức năng trên địa bàn thị xã Thái Hòa (Nghệ An), trong đó có Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 1 thường xuyên phối hợp với các nhà trường tổ chức tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho học sinh. Các em được truyền đạt những kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho chính mình và cộng đồng.

Cùng với đó, Đội cũng tăng cường các ca tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm giao thông đường bộ của lứa tuổi học sinh. Bình quân mỗi ca tuần tra, cán bộ, chiến sĩ phát hiện, xử lý từ 10 đến trường hợp học sinh vi phạm các lỗi như: chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng…

7(1).jpg
5(1).jpg
Đội CSGT đường bộ số 1 thường xuyên phối hợp với các nhà trường tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh.

“Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở thì chúng tôi còn tổ chức tuần tra kiểm soát. Đối với những trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe môtô vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì chúng tôi sẽ lập biên bản, sau đó yêu cầu phụ huynh có mặt cùng học sinh ký cam kết không tái phạm; đồng thời tập hợp danh sách học sinh vi phạm gửi về nhà trường để răn đe, giáo dục.

Mặc dù các lực lượng chức năng và nhà trường làm hết sức quyết liệt nhưng tình trạng học sinh vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Theo chúng tôi, nguyên nhân là do tâm lý lứa tuổi, các em cho rằng việc không thực hiện đúng luật giao thông là thể hiện được cái tôi, thể hiện được hình ảnh "ngầu" của mình mà không lường được rằng chính những suy nghĩ chưa thấu đáo đó sẽ khiến các em và người khác gặp nguy hiểm khi tham gia giao thông. Thêm một nguyên nhân nữa tôi cho rằng các bậc phụ huynh chưa thực sự sát sao với con, vẫn giao xe gắn máy cho các em khi chưa đủ điều kiện”, Thiếu tá Nguyễn Công Lĩnh, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 1 cho biết.

Đồng quan điểm này, thầy Hồ Đình Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Hiếu cho biết thêm:Tôi nghĩ điều quan trọng quyết định sự thành công trong giáo dục, nhất là giáo dục văn hóa giao thông đến từ vai trò nêu gương của các bậc phụ huynh.

Trong gia đình nếu người lớn thực hiện tốt văn hóa giao thông thì con em mình sẽ nhìn vào đó để thực hiện và ngược lại. Vì vậy, cùng với nỗ lực của lực lượng chức năng, nhà trường thì gia đình cũng nên phối hợp, đồng hành để giao dục ý thức chấp hành cho các em”.

1(1).jpg
Mặc dù các lực lượng chức năng và nhà trường làm hết sức quyết liệt nhưng tình trạng học sinh vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Việc học sinh vi phạm giao thông, điều khiển xe môtô, xe gắn máy đến trường khi chưa đủ tuổi tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn, va chạm giao thông rất cao. Vì vậy, hiểu được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề cũng là cách để lực lượng chức năng, nhà trường và gia đình có những cách thức tuyên truyền, giáo dục các em về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ hiệu quả hơn nhằm góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo tinh thần Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Gia Ân-Hong Yến