Các nhà lập pháp EU đồng ý rút khỏi hiệp ước năng lượng
Ngày /4, Nghị viện châu Âu đã ủng hộ việc EU rút khỏi hiệp ước năng lượng quốc tế vì lo ngại hiệp ước này cung cấp quá nhiều sự bảo vệ cho các công ty nhiên liệu hóa thạch.
Hiệp ước Hiến chương Năng lượng được ký năm 1994, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhằm đưa ra sự đảm bảo cho các nhà đầu tư ở Đông Âu và Liên Xô cũ. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU cho biết, cần phải rút khỏi hiệp ước vì nó “không còn tương thích” với “tham vọng tăng cường bảo vệ khí hậu” của khối.
Trong cuộc bỏ phiếu của Nghị viện ở Strasbourg, 560 nhà lập pháp đã bật đèn xanh cho việc rút khỏi hiệp ước, trong khi 43 người bỏ phiếu chống và 27 người bỏ phiếu trắng. Việc rời khỏi hiệp ước của EU sẽ chính thức diễn ra sau khi 27 quốc gia EU tán thành động thái này.
11 quốc gia EU đã tuyên bố hoặc hoàn tất việc rút khỏi hiệp ước bao gồm Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Ba Lan. Nhưng một số quốc gia - như Hungary, Malta và Slovakia muốn tiếp tục là thành viên hiệp ước, ủng hộ việc "hiện đại hóa" hiệp ước và được tự do làm như vậy.
Hiệp ước Hiến chương Năng lượng là một thỏa thuận quốc tế thiết lập một khuôn khổ đa phương cho hợp tác xuyên biên giới trong ngành năng lượng, chủ yếu là ngành nhiên liệu hóa thạch. Hiệp ước bao gồm tất cả các khía cạnh của hoạt động năng lượng thương mại bao gồm thương mại, quá cảnh, đầu tư và hiệu quả năng lượng.
Hiệp ước cho phép các công ty yêu cầu bồi thường thông qua Tòa án của một quốc gia có chính sách và luật pháp ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư của họ. Ngay cả các chính sách ủng hộ khí hậu cũng có thể bị trừng phạt theo hiệp ước. Năm 2022, một Tòa án đã yêu cầu Ý phải trả 200 triệu euro (213 triệu USD) cho công ty dầu mỏ Rockhopper của Anh vì từ chối cấp giấy phép khoan ngoài khơi.
Hiệp ước mà EU và Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom) đã ký kết này có hiệu lực từ năm 1998 và hiện có khoảng 50 bên ký kết. Nó nhằm mục đích khuyến khích sự hợp tác lớn hơn giữa các ngành năng lượng Đông Âu thời hậu Xô Viết với các ngành năng lượng Tây Âu.
Những nỗ lực của châu Âu nhằm "hiện đại hóa" hiệp ước đã thất bại, đẩy nhiều quốc gia thành viên rút lui ở cấp quốc gia. Anh đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước vào tháng Hai.
Nhà lập pháp theo chủ nghĩa tự do Christophe Grudler, người dẫn đầu cuộc vận động tại Nghị viện cho biết, động thái của Nghị viện EU là một “dấu hiệu tập thể, một sức nặng chính trị thực sự giúp củng cố lộ trình khí hậu của chúng ta”.