Hội nghị Trọng tài Xây dựng Quốc tế: Khi các truyền thống pháp luật có sự xung đột
Các tranh chấp này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tranh chấp liên quan vấn đề thiết kế, tư vấn, yêu cầu bồi thường do chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, chấm dứt hợp đồng…
Sáng 25/04, Hội nghị Trọng tài Xây dựng Quốc tế TP.HCM năm 20 (HICAC) đã chính thức khai mạc. Hội nghị do Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM (ULAW) phối hợp tổ chức.
Khai mạc Hội nghị, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC cho biết, VIAC cùng SCLVN và ULAW mong muốn đem lại một chuỗi trao đổi, thảo luận chuyên môn, để cùng nhau tìm hiểu các giao dịch và tranh chấp về xây dựng.
Trong các dự án xây dựng quốc tế, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với sự đa dạng hệ thống pháp luật, truyền thống pháp lý và sự giao thoa giữa những phong cách tranh tụng từ nhiều nền tài phán khác nhau. Thoạt nhìn, hệ thống Pháp luật Thông luật (Common Law) và truyền thống pháp luật Dân luật (Civil Law) có thể bị đánh giá là khác biệt ở nhiều điểm.
Một bên theo truyền thống này có thể ngần ngại và không mấy hào hứng do lo ngại về những khác biệt của hệ thống pháp luật khác. Tuy vậy, sự đa dạng và khác biệt lại luôn là động lực thúc đẩy phát triển, các truyền thống pháp lý đã và đang phát triển để phản ánh tốt hơn các nguyên tắc cơ bản của mình, đồng thời hấp thụ những ưu việt của truyền thống còn lại.
Việt Nam hiện nay được đánh giá đang có sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngành xây dựng Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, kể cả trong đầu tư công, hợp tác công tư hay đầu tư tư nhân đang có sự gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì cũng luôn tiềm ẩn các rủi ro, xung đột, các tranh chấp từ các hoạt động này.
Với chủ đề về “Hợp đồng Xây dựng và Trọng tài Quốc tế: Khi các truyền thống pháp luật có sự xung đột”. Ngành xây dựng với nhiệm vụ cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho các hoạt động kinh tế từ sản xuất, kinh doanh đến công ứng dịch vụ… nên đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia.
Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu của ngành xây dựng là rất lớn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thì thị trường xây dựng Việt Nam trong thập niêm tới sẽ là một trong những thị trường sôi nổi nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế cả nước, lĩnh vực xây dựng đang được xem là lĩnh vực trọng điểm, có nhiều đột phá. Tuy nhiên, với sự phát triển đó, tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực này cũng không ngừng gia tăng. Theo thống kê của VIAC, tranh chấp xây dựng năm 2023 đã tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước đó, đứng thứ tư trong số các lĩnh vực có tranh chấp được thụ lý giải quyết tại VIAC.
Về quy mô, tính chất, tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực xây dựng hầu hết đều lớn với nhiều diễn biến, tình tiết phức tạp. Các tranh chấp này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến như tranh chấp liên quan vấn đề thiết kế, tư vấn, yêu cầu bồi thường do chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, chấm dứt hợp đồng…
Theo đó, nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thiết thực của doanh nghiệp cũng như quốc gia của mình trong việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng; đồng thời cũng là dịp để các chuyên gia, những người làm thực tiễn kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai.
Hội nghị này quy tụ hơn 40 chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, với chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm thực tiễn, cùng sự đồng hành của 17 đơn vị tài trợ và các đơn vị hỗ trợ khác.
Tại HICAC 20 năm nay, các diễn giả tại phiên toàn thể cùng thảo luận về “Xung đột dân luật và thông luật trong hợp đồng xây dựng quốc tế: Câu chuyện từ những trọng tài viên quốc tế”; “Tính bảo mật và tính minh bạch trong Trọng tài xây dựng quốc tế: Chia sẻ từ các Trung tâm Trọng tài”.
Với sự tham gia của đại diện đến từ các tổ chức trọng tài, tổ chức giải quyết tranh chấp trọng điểm trong khu vực, các thông tin đa chiều được đưa ra tại phiên này đã giúp người tham dự có bức tranh toàn cảnh về sự đa hệ thống pháp luật điều chỉnh hợp đồng xây dựng và trọng tài quốc tế.
Các phiên chuyên sâu được tổ chức trong khuôn khổ HICAC 20 bao gồm: “Một số điều khoản có thể gây xung đột trong các Hợp đồng Xây dựng Quốc tế”; “Giao thoa giữa các truyền thống Pháp luật trong Trọng tài Quốc tế”; “Kinh nghiệm Sử dụng Chuyên gia trong Trọng tài Xây dựng” và “Bên Thứ ba trong Tố tụng Trọng tài”.
Hướng tới là sự kiện trọng điểm tại Việt Nam, HICAC kỳ vọng sẽ trở thành diễn đàn ngày càng có quy mô lớn, chất lượng, đồng thời trở thành điểm kết nối tri thức của cộng đồng trong nước và quốc tế về Trọng tài Xây dựng.