Chính trị

Thủ đô Việt Bắc và Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nguyễn Liên 29/04/20 08:33

Chiến khu Việt Bắc là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng lựa chọn căn cứ địa chống Pháp. Nơi đây đã ghi những dấu ấn, ra đời nhiều quyết sách lịch sử, trong đó nơi khởi nguồn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ với chiến thắng “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu”.

ATK Định Hóa - Thủ đô kháng chiến

Việt Bắc là gốc tích tổ tiên Hùng Vương ta dựng nước, là nền tảng chống ngoại xâm của ông cha ta, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nùng Trí Cao; Là căn cứ chống Pháp của tiền nhân như cụ Hoàng Hoa Thám; Là căn cứ địa của cuộc giải phóng dân tộc, chống Pháp, chống Nhật; Là quê hương của giải phóng quân, anh cả của Vệ quốc quân.

Sau cách mạng tháng Tám, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại một thời gian để củng cố khu căn cứ. Cuối tháng 10/1946, sau khi ở Pháp về, Bác phái đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc để chỉ đạo việc chuẩn bị các mặt cho kháng chiến.

hinh-1-1-.jpg
Lán Tỉn Keo ở vị trí trên đỉnh đồi, nơi diễn ra cuộc họp của Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 6/12/1953 để đưa ra quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 20/5/1947, sau một hành trình dài bí mật và đầy gian nan, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 8 cán bộ, chiến sĩ giúp việc đến đồi Khau Tý (thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa ngày nay). Người ở trong một căn lán nhỏ đơn sơ được các cán bộ Việt Minh xã gấp rút dựng lên, trong sự che chở, đùm bọc của nhân dân các dân tộc Định Hóa. Tại “Phủ Chủ tịch” đầu tiên ở Việt Bắc, trong bộn bề công việc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu bước vào giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.

Cuối năm 1947, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cam go hơn, thực dân Pháp huy động hơn 1 vạn quân chính quy mạo hiểm tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta để sớm kết thúc chiến tranh. Tối 7/10/1947, cũng tại lán Khau Tý đơn sơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội ý với các đồng chí Thường vụ Trung ương đến nhận định rõ tình hình và âm mưu của địch.

Ngay ngày hôm sau, Người ra Lời kêu gọi bộ đội, dân quân du kích cùng đồng bào cả nước ra sức đánh giặc, bảo vệ căn cứ kháng chiến. Ngày 14/10/1947, tại Phụng Hiệp (thuộc xã Điềm Mặc ngày nay), Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh để thông qua Chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp”. Với đường lối đúng đắn, kịp thời này và sự chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta, đến cuối tháng 12/1947, toàn bộ quân Pháp phải rút khỏi Thái Nguyên. ATK được giữ vững, tiếp tục được củng cố và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

hinh-2.png
Tại căn lán này, còn lưu giữ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị ngồi họp bàn về việc mở chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ bàn ghế mộc mạc cùng những tư liệu có giá trị lịch sử.

Cũng trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến gian nan và đầy vẻ vang ấy có một sự kiện rất quan trọng diễn ra tại ATK Định Hóa, đó là ngày 20/1/1948, tại “Phủ Chủ tịch” - căn lán mái lá cọ ở Khuôn Tát (xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng cho các cán bộ chỉ huy cốt cán của Quân đội. Sự kiện ngày 28/5/1948 đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam như một trang chói sáng, lễ thụ phong Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tại một địa điểm thuộc khu cǎn cứ địa Việt Bắc.

Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiếp tục chuyển biến theo hướng có lợi cho ta, lực lượng vũ trang chính quy không ngừng lớn mạnh. Trước tình hình đó, tháng 6/1950 tại ATK Định Hóa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông (mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II). Tại cuộc họp quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Chiến dịch này chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại. Sau đó, Người đích thân ra mặt trận chỉ đạo Chiến dịch. Chỉ sau gần 1 tháng quân ta tiến công, bao vây, truy kích và diệt viện, Chiến dịch đại thắng, khu vực biên giới với gần 40 vạn dân được giải phóng; căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.

Trước những biến chuyển nhanh của tình hình chiến sự trên các mặt trận, cuối tháng 9/1953, tại Tỉn Keo (xã Phú Đình), Bộ Chính trị họp bàn và xác định chủ trương chiến lược trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954; ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954. Đến ngày 1/1/1954, cũng tại Tỉn Keo, Bộ Chính trị đã chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc quyết chiến với kẻ thù. Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu.

Đến 56 ngày đêm làm nên “vành hoa đỏ - thiên sử vàng”

ATK Định Hóa không chỉ nơi diễn ra sự kiện lịch sử ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo, thuộc xã Phú Đình (Định Hóa) - trung tâm Thủ đô cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Từ núi rừng hiểm trở của đất Thái Nguyên, mọi kế sách của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng vạch ra. Tuy khó khăn gian khổ nhưng đã được nhân dân ta dần dần vượt qua từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trích trong lời phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Thái Nguyên ngày 8/2/1989.

ATK Ðịnh Hóa còn là nơi quân ta tập trận trước khi lên đường ra mặt trận Ðiện Biên Phủ. Cuộc tập trận diễn ra tại cánh đồng bản Soi, xã Ðồng Thịnh (Ðịnh Hóa) vào cuối năm 1953. Nơi này có địa hình gần giống với lòng chảo Ðiện Biên, trong đó đồi Nghè tượng trưng cho đồi A1; cánh đồng Sìn tượng trưng cho cánh đồng Mường Thanh; sông Chu tượng trưng cho sông Nậm Rốm. Cuộc tập trận có ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng với chiến thắng Điện Biên Phủ...

Trước khi lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Khuôn Tát (xã Phú Đình, Định Hóa) chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Lời căn dặn ấy là kim chỉ nam cho mọi quyết định của Đại tướng trong chiến dịch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Dưới sự Chỉ huy chiến dịch của Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng quân số chủ lực của ta lên tới 55.000 người. Ngoài quân chủ lực còn có một bộ phận lực lượng bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích thuộc Liên khu 3, Liên khu 4, Việt Bắc, Tây Bắc và hơn 160.000 dân công khắp mọi miền phục vụ chiến đấu.

Ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã mở những đợt tiến công cuối cùng vào sào huyệt của Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đập tan một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất trên chiến trường Đông Dương, kết thúc thắng lợi Chiến cuộc Đông-Xuân 1953 - 1954. Niềm vui chiến thắng Điện Biên Phủ tràn ngập đất nước, âm vang Điện Biên lan tỏa tới bè bạn khắp năm châu. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp với dân tộc ta, đồng thời mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu diễn ra cách đây đã 70 năm, nhưng “Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp” luôn là cụm từ được người dân cất lên với lòng tự hào, kính trọng mỗi khi nhắc tới sự kiện lịch sử trọng đại này. Trong lòng nhân dân, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng, một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự”, mà còn là một “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”.

70 năm đã trôi qua kể từ khi ATK Thái Nguyên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang với vai trò là Thủ đô kháng chiến, nơi ra đời những quyết sách lịch sử tạo các bước ngoặt cho cách mạng. Những đóng góp rất quan trọng và đáng tự hào của các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân Thái Nguyên cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mãi mãi được lịch sử khắc ghi.

Nguyễn Liên