Cựu binh kể thời khắc mở cửa hầm, tiếp quản 16 tấn vàng ngày giải phóng
Ký ức hiện về như thước phim quay chậm, khung cảnh ngày bàn giao - tiếp quản kho vàng của gần năm thập kỷ trước mở ra trước mắt cựu binh Hoàng Minh Duyệt...
- Mời các anh vào!
Nói rồi, ông Huỳnh Bửu Sơn, lãnh đạo Nha phát hành Ngân hàng Quốc gia dịch người qua trái, cánh cửa cuối cùng dẫn vào hầm vàng được mở toang. Trước mắt, hàng nghìn thỏi vàng với vô số tiền bạc xếp lớp, hầm rộng như sân bóng.
Đó là một buổi chiều ngày đầu tháng 5 năm 1975.
Ngày ấy, Sài Gòn còn hỗn loạn. Nếu không phải là người trong cuộc, trực tiếp kiểm kê, "mắt thấy, tay sờ" thì chính cựu binh Hoàng Minh Duyệt, nguyên là Chỉ huy phó của Đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ngày giải phóng cũng khó tin rằng, 16 tấn vàng vẫn được nhân viên của Ngân hàng Quốc gia quản lý an toàn đến vậy.
Trong những năm 1973 - 1974, ông Hoàng Minh Duyệt là một trong những chiến sỹ hăng hái của C282Q Công an nhân dân vũ trang tại đơn vị B17 tại Hà Tĩnh. Với sức trẻ và lòng yêu nước, tháng 12/1974, các chiến sỹ C282Q được nhận lệnh hành quân vào Nam chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.
Đoàn hành quân do Thượng úy Đặng Hồng Minh làm đoàn trưởng, ông Hoàng Minh Duyệt hồi đó là Chuẩn úy làm đoàn phó, cùng 32 chiến sỹ khác. Tất cả 34 người đều ở tuổi đôi mươi, mới chỉ vài người lập gia đình.
Thời điểm đó, Huế và Đà Nẵng vẫn đang bị bom đạn xối xả ngày đêm. Để không bị địch chú ý, các chiến sỹ phải tính toán thời gian, sắp xếp hành quân chủ yếu vào đêm tối. Sau nhiều ngày vượt qua những con đường bị bom đạn cày xới, qua bạt ngàn thi thể xếp lớp giữa mùi súng ống, đoàn hành quân kịp đến Trung ương Cục miền Nam nhận nhiệm vụ.
Ngày 2/4/1975, Chiến dịch 275 (chiến dịch Tây Nguyên) thành công mở đầu cho những thất bại quân sự không thể cứu vãn của quân lực Việt Nam Cộng hoà. Sau khi giải phóng Tây Nguyên, Trung ương Cục miền Nam lập tức phổ biến kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng để tiếp quản các căn cứ tại Sài Gòn.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Các chiến sỹ C282Q được giao nhiệm vụ đi đầu để bảo vệ đoàn của Trung ương Cục miền Nam tiến về Sài Gòn. 14 giờ 30 phút, trong niềm hân hoan chiến thắng và háo hức của những người lính trẻ lần đầu tận thấy một đô thị lớn, đoàn về tới Ngã tư Bảy Hiền (Phường 4, quận Tân Bình).
Cũng như các chiến sỹ khác trong đoàn, cậu thanh niên Hoàng Minh Duyệt hồi đó dù đói khát, vẫn còn e dè với những đòn bánh tét, chai nước ngọt của người dân thành phố đem cho.
"Người dân thành phố vừa được giải phóng, thấy bộ đội đi vào nên cho đồ ăn nhiều lắm. Chúng tôi nhận nhưng thú thật không dám ăn, vì vừa giải phóng, ai biết địch có trà trộn, cài cắm hay không", ông Hoàng Minh Duyệt nhớ lại.
Đêm hôm đó, cùng với các cán bộ Ban Kinh tài, Trung ương Cục, đoàn C282Q tập kết về Trường Cao Thắng (phường Bến Nghé, Quận 1) tạm nghỉ, chờ phân công nhiệm vụ. Trường Cao Thắng lúc các chiến sỹ tiến vào có khoảng 20 người đang ẩn nấp. Thấy quân giải phóng, họ cuống cuồng chui xuống gầm giường, vào nhà vệ sinh "lánh nạn".
"Họ run rẩy, sợ hãi, lại có người đói khát sắp ngất đi. Thấy vậy, chúng tôi trấn an, cho biết mình là quân giải phóng, chỉ muốn gắn kết đồng bào", ông Duyệt kể.
Sau khi được các chiến sỹ chia đồ ăn, nước uống, nỗi lo sợ vơi đi, họ "khai" mình là người dân ở các tỉnh dạt vào Sài Gòn. Để xoá bỏ khoảng cách, ông Duyệt khởi xướng màn giao lưu văn nghệ. Tiếng hát cất lên, những tráng pháo tay giòn giã, quân và dân thực sự hoà làm một.
4 giờ ngày 1/5, đoàn nhận lệnh rời Trường Cao Thắng, xuất phát đến Ngân hàng Quốc gia Việt Nam số 17 Bến Chương Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP.HCM số 8 đường Võ Văn Kiệt, Quận 1) canh giữ, tiếp quản kho vàng.
4 giờ, trời Sài Gòn bóng tối đen đặc, súng ống vẫn ngổn ngang trước cửa Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Trong khi nhiều toà nhà và trụ sở lân cận bị cướp phá, ngân hàng vẫn được bảo vệ dưới sự chỉ huy của một thiếu tá Việt Nam Cộng hoà và vài cảnh sát.
Ông Hoàng Minh Duyệt cùng 33 chiến sỹ C282Q tiến tới trên 3 chiếc ô tô Zin 7. Khẩu súng máy đại liên vốn định sử dụng để khống chế lực lượng cũ chưa kịp dùng tới thì đối phương đã buông súng đầu hàng. Ngay sau đó, đoàn triển khai đội hình bảo vệ tòa nhà.
Đúng 8 giờ, trước mặt hàng trăm nhân viên ngân hàng, ông Lữ Minh Châu, Phó Ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục (có thời gian dài sống trong vỏ bọc là cán bộ một ngân hàng Sài Gòn) công bố lệnh tiếp quản và lệnh cho các ngân hàng ngưng hoạt động.
Trong lúc công bố lệnh tiếp quản, ông Châu cũng công bố các chính sách về quyền lợi và nghĩa vụ trong quan hệ đối nội, đối ngoại của các ngân hàng chế độ cũ. Trong đó bao gồm cả việc xác nhận nợ, tiếp quản các kho thế chấp, trả lại tiền gửi cho nhân dân và các tổ chức trong ngoài nước.
Công bố lệnh tiếp quản hoàn tất, những người có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, bảo vệ tài sản được giữ lại làm việc, những người còn lại được cho về, khi cần sẽ gọi.
Có mặt trong buổi sáng hôm đó, chánh sự vụ Lê Minh Khiêm và kiểm soát viên Huỳnh Bửu Sơn, hai người nằm trong Ban lãnh đạo Nha phát hành Ngân hàng Quốc gia được giữ lại. Ông Khiêm là người giữ mã số các hầm bạc, còn ông Sơn giữ chìa khóa kho vàng.
Sau khi vãn hồi trật tự, chiều cùng ngày, quân ta bắt đầu thực hiện lệnh mở hầm, kiểm đếm và tiếp quản tài sản của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Lối đi xuống hầm chỉ vừa một người. Ông Huỳnh Bửu Sơn dẫn đầu, phía sau là các đại diện Ban Quân quản và đơn vị tiếp quản ngân hàng. Ông Hoàng Minh Duyệt là Chỉ huy phó của đơn vị tiếp quản nên tham gia và chứng kiến toàn bộ quá trình bàn giao.
"Lối đi xuống hầm nếu đi 2 người thì bị chật, đi một người thì vừa vặn, thoải mái. Hầm được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa thước. Còn cửa hầm thì bằng thép, nặng hàng tấn, có ổ khóa và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ", cựu binh Hoàng Minh Duyệt kể.
Từng cánh cửa lần lượt được mở ra. Tới cánh cửa cuối cùng, tất cả đều im lặng, tập trung cao độ để ông Huỳnh Bửu Sơn mở khoá.
"Chúng tôi lúc đó gần như không ai động đậy, vì hồi hộp. Sau khoảng 3 giây tra khoá vào ổ, một tiếng tách bật lên, ông Sơn dùng sức đẩy toang cánh cửa rồi nói 'Mời các anh vào!'. Thật sự chúng tôi chưa từng tưởng tượng đến việc có một căn hầm đồ sộ và hoành tráng đến vậy.
Hầm rộng như một sân bóng, sáng choang, mát lạnh dù không gắn điều hoà. Vô số thùng vàng và tiền bạc xếp lớp khiến cả đoàn ai nấy đều sửng sốt, choáng ngợp", ông Duyệt nhớ lại thời khắc cửa hầm bật mở.
Cửa hầm mở, Ban Quân quản và đơn vị tiếp quản ngân hàng bước vào. Thời khắc đơn vị mới chuẩn bị tiếp quản toàn bộ tài sản nơi mình làm việc và canh giữ, các nhân viên ngân hàng vẫn tiếp tục công việc, nghiêm túc như không hề có bất cứ sự thay đổi nào.
Vào hầm, ông Huỳnh Bửu Sơn tiến về các tủ sắt khổng lồ và cho biết đây là những tủ chứa vàng. Mỗi tủ sắt được trang bị hai lớp khoá, ông Sơn lần lượt mở từng tủ.
Những cánh cửa sắt lần lượt được mở toang. Hàng nghìn thỏi vàng xếp lớp trên các kệ bằng thép, có một vài kệ võng xuống theo thời gian. Có nhiều thùng gỗ cũng được đặt trong tủ, bên trong chứa vô số đồng tiền vàng cổ.Đó có là cảnh tượng mà khó ai có thể một lần thấy trong đời.
"Vì hiếu kỳ, tôi thử cầm một thoi lên thì ông Bửu Sơn cười trêu 'không nhấc được đâu, phải lấy thế'. Sau khi được ông Sơn chỉ cho cách đứng dạng hai chân, dùng sức cả hai tay, tôi mới nhấc nổi một thỏi vàng", khung cảnh 49 năm trước hiện về rõ mồn một trong ký ức của cựu binh Hoàng Minh Duyệt.
Khó nhấc nổi cũng dễ hiểu, bởi mỗi thoi vàng lúc đó đều nặng từ 12 - 14kg. Tất cả đều là vàng nguyên chất, trên mỗi thoi được khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Từ các số hiệu, vàng được xác định có nguồn gốc từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Công ty Montagu (ở Nam Phi) và Công ty Kim Thành (đúc tại Việt Nam).
Về đồng tiền vàng, tất cả được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài thỏi vàng và đồng tiền vàng cổ, hầm còn có nhiều thùng chứa trang sức và giấy bạc.
"Tôi nhớ riêng tiền mặt lúc đó là 625 tỷ đồng tiền Việt Nam Cộng hoà. Mỗi thùng ghi rõ mệnh giá, loại giấy bạc, số lượng. Mệnh giá cao nhất lúc đó là 1.000 đồng", ông Hoàng Minh Duyệt nói.
Toàn bộ số vàng đều được bộ phận điện toán của ngân hàng theo dõi chi tiết từng đơn vị, bất cứ sự thay đổi vào về xuất hay nhập kho đều được ghi lại. Do đó, công việc kiểm kê khá đơn giản. Chỉ trong một buổi sáng, đoàn đã kiểm kê xong số lượng giấy bạc dự trữ.
Việc kiểm kê số vàng chiếm nhiều thời gian hơn vì phải kiểm kê từng thỏi để xem trọng lượng, tuổi vàng và số hiệu có khớp đúng với sổ sách hay không.
Chỉ trong hai ngày, cuộc kiểm kê kết thúc. Số lượng tiền vàng tại thời điểm kiểm đếm khớp hoàn toàn với sổ sách của chính quyền Việt Nam Cộng hoà lưu lại.
"16 tấn vàng. Ngoài những người cũ của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thì con số này khiến tất cả chúng tôi kinh ngạc. Thú thật là những ngày đầu chúng tôi không hề biết trong hầm có 16 tấn vàng, chúng tôi chỉ biết đây là mục tiêu cần bảo vệ nghiêm ngặt, sẽ bàn giao - tiếp quản khi tình hình vãn hồi", ông Duyệt nói và cho biết, con số 16 tới tận bây giờ vẫn là một điều đặc biệt đối với ông.
Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới hoàn tất, ông Huỳnh Bửu Sơn và Lê Minh Khiêm cùng ký vào biên bản kiểm kê. Cựu binh Hoàng Minh Duyệt cũng không quên nhắc đến cảm xúc của chính mình khi đứng giữa bạt ngàn vàng thỏi và bạc giấy ngày ấy.
Ông nói, hơn bao giờ hết, lúc đó bản thân phải ngay thẳng, phải làm gương trước những người chế độ cũ.
"Lúc đó chỉ nghĩ là làm sao để không mất đồng xu cắc bạc nào của Nhà nước. Với cả, mình đứng giữa các nhân viên chế độ cũ mà lại có gì không đàng hoàng thì họ sẽ khinh thường cho", ông Duyệt nói thêm.
Sau giải phóng, đơn vị C282Q của ông Duyệt được phân bổ đi khắp nơi. Riêng ông Duyệt được điều về làm trợ lý tại Cục Chính trị Công an vũ trang, sau đó về Trường Sỹ quan Biên phòng II làm giáo vụ. Năm 1983, ông Duyệt chuyển ngành về Bộ Thương mại và nghỉ hưu.