Chơi mà học ở Di sản Thành nhà Hồ
Được trực tiếp nhìn và sờ thấy các hiện vật tại Di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), vượt ra khỏi không gian bó buộc của lớp học, tạo cảm giác mới lạ, chơi mà học, các em được thỏa sức khám phá, sáng tạo khiến cho việc học có hiệu quả hơn.
Thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397, theo lệnh của Phụ chính Thái sư nhiếp chính nhà Trần là Hồ Qúy Ly. Đây là tòa thành kiên cố trên tổng diện tích 5.234 ha, với những viên đá được gọt dũa thành khối hình thang xếp thành cổng có hình vòm cuốn mang một kiến trúc độc đáo, có giá trị duy nhất còn lại ở Việt Nam.
Nơi đây là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397).
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, chiến tranh, thành Nội chỉ còn lại một số di tích, di vật như: nền móng, phần tường thành, bốn cổng thành, khuôn viên cổng Nam, đôi rồng bậc thềm bằng đá, đường lát đá Hoa Nhai, bi đá, đạn đá, đồ gốm sứ và các hiện vật có giá trị đặc trưng cho văn hóa Trần - Hồ. Tuy nhiên, một số đoạn của tòa thành này vẫn còn tương đối nguyên vẹn.
Hào thành còn dấu tích ở phía bắc, phía đông và một nửa phía nam thành Nhà Hồ. Dấu tích La thành đã được tìm thấy tại địa phận làng Bèo và Đàn tế Nam Giao còn lộ rõ dấu tích 5 nền đàn. Ngày 27/6/2011, thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, trong đó khu vực được công nhận có tổng diện tích 5,5 ha.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản thành Nhà Hồ Nguyễn Văn Long cho biết: Ngoài là điểm thăm quan du lịch nổi tiếng của vùng đất Xứ Thanh, thành Nhà Hồ còn là điểm nghiên cứu, học tập, trải nghiệm dành cho các bạn học sinh trên địa bàn tỉnh nhà.
Để nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa địa phương, quê hương, đất nước con người, Trung tâm Bảo tồn Di sản thành Nhà Hồ đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các lớp học ngoại khóa trên vùng đất di sản. Điều này giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về một triều đại phong kiến tồn tại ngắn nhất trong lịch sử, bồi đắp lòng yêu nước, yêu di sản văn hóa, yêu lịch sử văn hóa của dân tộc và lòng tự hào của các thế hệ trẻ đối với truyền thống của ông cha chúng ta trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Việc đưa giáo dục di sản vào học đường thông qua hoạt động trải nghiệm là một trong những giải pháp thực tiễn, nhằm quảng bá và đưa di sản đến gần công chúng.
Hàng năm, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã diễn ra nhiều buổi học thiết thực như: Cùng khám phá thành Nhà Hồ xây dựng như thế nào, Lễ thượng nêu, Tết xưa, Em làm nhà khảo cổ học, Di sản Thế giới thành Nhà Hồ và tôi, Rung chuông vàng “Âm vang cố đô”…
Các buổi học ngoại khóa giúp các học sinh lứa tuổi Tiểu học, Trung học cơ sở được học tập và trải nghiệm một số kỹ năng khai quật khảo cổ như: Cách thức mở hố khai quật, cách đào khảo cổ, làm quen với các dụng cụ khai quật như cuốc, xẻng, thước, chổi lông, máy ảnh, sổ nhật ký, phân loại hiện vật… giúp các em học sinh tích cực phát huy sự sáng tạo giữa học và chơi. Từ đó, các em được trang bị kiến thức, hiểu biết về truyền thống văn hóa, niềm tự hào, thái độ trách nhiệm trong bảo vệ, phát huy di sản.
Theo thống kê, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, thành Nhà Hồ đón gần 12.000 lượt khách. Trong đó, học sinh từ các trường trong tỉnh đến thăm quan, học tập và trải nghiệm chiếm gần 50%.
Được biết, trong năm 20, Thanh Hóa sẽ phối hợp tổ chức 145 sự kiện, trong đó có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện du lịch sẽ được tổ chức trải dài trong năm 20 sẽ góp phần hiện thực hóa thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa", tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm của người dân, du khách.
Địa phương này đã kết nối liên vùng, các tỉnh Bắc Trung Bộ, các tour, tuyến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hướng tới một chuyến đi, nhiều điểm đến, nhiều trải nghiệm. Năm 20, Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32.387 tỉ đồng. Điều này sẽ góp phần không nhỏ cho địa phương này trở thành cực tăng trưởng mới của phía Bắc.