Điện Biên Phủ - Ký ức không thể nào quên
Với những người lính ở Hà Giang từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, những kỷ niệm, ký ức về một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt...”; hay là cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn luôn hằn sâu trong trái tim của họ.
Những ngày đầu tháng 5/20, chúng tôi đến thăm căn nhà nhỏ của ông Ấu Đức Túc, ở Tổ 1, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang. Ở tuổi 96, mắt đã kém, chân đã run, nhưng khi biết chúng tôi muốn nghe về Chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính già nhanh nhẹn hơn khi đi tìm lại những kỷ vật mà ông đã gìn giữ bao nhiêu năm nay.
Ông Ấu Đức Túc từng là Đại đội trưởng ở Tiểu đoàn 1, thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Năm nay đã 96 tuổi, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng khi nhắc đến những trận đánh lịch sử trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, niềm phấn chấn dường như hiện rõ trên nét mặt của cụ. Những ngày tháng dầm mình trong mưa bom, bão đạn được tái hiện bằng tất cả những ký ức, những dòng cảm xúc của một người lính từng vào sinh ra tử.
Ông Ấu Đức Túc kể lại: “Đồng đội tôi, những người may mắn trở về sau cuộc chiến giờ cũng còn ít lắm. Cứ đến dịp này, những khuôn mặt thân quen từng chia ngọt, sẻ bùi trong những năm tháng đánh giặc lại hiện về trong tâm trí. Muốn đến thăm chiến trường xưa và những người còn sống nhưng mắt đã mờ, chân đã run nên đành gác lại”.
Cũng giống như ông Túc, ông Dương Văn Nhọn - Tổ 4 phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, nguyên Trung đội phó ở Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308) - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại đoàn có nhiệm vụ cùng với các binh đoàn chủ lực khác đi tiên phong trên con đường tiêu diệt sinh lực địch. Ở tuổi 90, đôi lúc ông có quên đi một vài ký ức, nhưng những cảm xúc về một thời chiến đấu thì vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.
Như chạm vào những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời, ánh mắt ông Nguyễn Văn Thưởng rạng rỡ khi kể cho chúng tôi về đời lính, về những tháng năm quân ngũ.
Năm 1952, thanh niên Nguyễn Văn Thưởng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, tạm gác lại hạnh phúc riêng với người vợ mới cưới để lên đường làm nhiệm vụ.
Từ vùng quê Bình Lục, Hà Nam, ông Thưởng tham gia lực lượng chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, thuộc Trung đoàn 675, Đại đoàn 351- Đại đoàn công pháo đầu tiên của Quân đội ta.
Nay đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, ký ức của Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thưởng về những năm tháng chiến đấu đó chỉ còn là những hình ảnh lúc ẩn lúc hiện trong tâm trí ông, nhưng cũng đủ để thể hiện sự khó khăn, gian khổ và ác liệt của chiến tranh.
Ông Thưởng vẫn nhớ mãi về cái đói rét, thiếu thốn của những ngày hành quân. Ông cùng đồng đội đi bộ hàng trăm km từ quê nhà đến Điện Biên Phủ, về những trận sốt rét nguy hiểm đã hành hạ ông suốt cả tháng trời, về những chiếc quần rách tươm sau những ngày tập luyện. Hơn cả là những tình cảm, cảm xúc đối với những người đồng đội cùng nhau nương tựa như người nhà. Đau xót khi chứng kiến những đồng đội mình ngã xuống.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thưởng, ở tổ 7, phường Minh Khai, TP Hà Giang nhớ lại: Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, tháng 7/1954, Sư đoàn hành quân về Thanh Hóa để tập trung xây dựng quân đội; đồng thời lấy những khẩu pháo mới và trở về Sư đoàn 351 rồi tiếp tục hành quân từ Thanh Hóa ra Nho Quan (Ninh Bình) để sẵn sàng chiến đấu...
Ngược dòng lịch sử trở về thời khắc thiêng liêng, sống lại không khí của những ngày gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Những cựu chiến binh Điện Biên Phủ - những người lính Cụ Hồ, tất cả họ đều bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi tuổi đời còn rất trẻ và với một tâm thế hiên ngang “không có gì quý hơn độc lập tự do”. 70 năm qua, ký ức về những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu gian khổ, ngoan cường, ký ức về sự hy sinh dũng cảm của biết bao đồng đội vẫn luôn là những phần đẹp đẽ, thiêng liêng nhất, không thể phai mờ trong tâm thức của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
Tỉnh Hà Giang hiện còn 18 chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với người lính Điện Biên, những nắm cơm muối, điếu thuốc chia nhau, hay bát canh rau rừng trong ngày nắng như thiêu như đốt... đã trở thành kỷ niệm khó quên, nhất là những trận chiến ác liệt “máu trộn bùn non”. Nhưng vượt qua tất cả, bằng sự lãnh đạo tài tình của người Tổng chỉ huy - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người lính Cụ Hồ năm ấy kiên cường, bất khuất đã làm nên những trận đánh khiến quân thù kinh hồn, bạt vía.
Được trò chuyện, được chia sẻ những ký ức bi tráng, hào hùng của những những người lính Điện Biên cuối cùng nơi biên cương của Tổ quốc (Hà Giang), càng thấy trân quý hơn những giá trị mà thế hệ cha ông gây dựng. Chính những con người bình dị mà anh dũng ấy đã làm nên những trang sử chói lòa, như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: “Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”.