Người Hoa Lư tham chiến Điện Biên Phủ
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/20), Báo Công lý xin gửi đến bạn đọc loạt bài “Huyền thoại Điện Biên: “Cánh cửa thép Him Lam” và ký ức của vị trung đội trưởng quân báo.”
Quá trình tìm về cố đô Hoa Lư, quê hương người chiến sĩ quân báo năm xưa của chiến dịch Điện Biên Phủ - Nguyễn Tử Lan, chúng tôi may mắn có dịp được tiếp xúc và trò chuyện với ông Nguyễn Tử Chương. Ông Chương không chỉ đơn thuần xuất hiện trong câu chuyện này với tư cách là con trai của chiến sĩ Nguyễn Tử Lan. Mà hơn thế, ông Chương còn được biết đến là người đã dành nhiều thời gian tìm tòi nghiên cứu khoa học về lịch sử, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến sĩ Nguyễn Tử Lan.
Ông Nguyễn Tử Chương: Tôi xin trích lại mấy câu thơ trong bài thơ “Tôi yêu đời” của ông Nguyễn Tử Lan viết năm 1955, có đoạn:
…”Ai hỏi tôi: Anh hy sinh xương máu
Đến bao giờ thì hạnh phúc về anh?
Tôi sẽ đáp rằng: Tất cả tuổi xanh
Tôi hiến trọn cho non sông đất nước
Đến khi nào Tổ quốc bình yên
Rồng Việt Nam cất cánh bay lên
Khi hạnh phúc dạt dào trong nắng mới
Dưới bầu trời xã hội huy hoàng
Quê hương tôi rực rỡ ánh sao vàng
Hạnh phúc về trong thế hệ vinh quang”....
Trong ký ức của tôi, ông Lan có những nét trịnh trọng toát ra từ trong tư tưởng, mà người đối diện có thể nhận rõ qua ánh mắt với đầy ý chí và nghị lực. Dưới mái tóc dày, loáng thoáng muối tiêu như pha màu sương khói sa trường là vầng trán cao, rộng và tròn đều.
Sau ngày chiến thắng Điện Biên, với vốn tri thức của mình ông Lan trở thành một người thầy trong quân đội, mang trách nhiệm trang bị kiến thức cho những người lính vừa hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, để rồi rất nhiều người trong số họ sau này là các tướng lĩnh thuộc thế hệ sĩ quan cao cấp đầu tiên, góp phần kiện toàn lực lượng cán bộ chủ chốt và tinh nhuệ hóa quân đội.
Nguyễn Tử Lan là người làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, nay là xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, ông sinh năm Ất Hợi, ngày tháng 06 năm 1935.
Ông Lan là cháu ngoại của tri huyện Ý Yên Hà Quang Sán, người làng Sở Thượng, xã Yên Phú, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Khi ông đến với thế giới này cũng là lúc khóm hoa Lan có hương thơm thanh cao, tinh tế mà Tổ phụ1 của ông yêu quý nhất cũng vừa nở, và đó cũng chính là lý do mà ông được đặt tên là Lan - Nguyễn Tử Lan.
Ông Nguyễn Tử Chương: Năm 1953, trong một trận càn phía Tây Nam Ninh Bình, làng Thư Điền bị giặc Pháp tấn công, chúng lùng sục đốt nhà cửa của dân, phá vườn tược, giết hại gia súc… chúng vào Chùa Hưng Long đốt cháy nhà thờ Tổ. Trước cảnh quê hương bị tàn phá, nhiều nhà dân và di sản làng Thư Điền bị giặc Pháp biến thành đống tro tàn, ông Nguyễn Tử Lan với chí căm thù giặc và lòng yêu nước nồng nàn đã tình nguyện lên đường tòng quân.
Tại chùa Hưng Long, ông Nguyễn Tử Lan đã đọc lời thề trước nhân dân, sẽ cùng thế hệ của mình “đòi lại giang san dâng Tổ quốc”, ông gia nhập quân đội chỉ với một nguyện vọng là được vào bộ đội chủ lực và ông đã toại nguyện khi trở thành người chiến sĩ Điện Biên là người Ninh Bình được đứng trong hàng ngũ của đơn vị chủ công Đại đoàn 3122 .
Ông Nguyễn Tử Chương: Theo tư liệu mà tôi thu thập được biết, thời điểm đó xã Ninh Nhất tổ chức xuất quân tại hang Đền - Dưỡng Khê (lúc đó là trụ sở của huyện đội Gia Khánh), khác với những năm trước, mùa chiến dịch năm ấy không có mít tinh chào cờ xuất phát, không có bà con thôn xóm lưu luyến tiễn đưa. Do yêu cầu giữ bí mật rất cao để tạo tình thế bất ngờ cho địch đòi hỏi mỗi người phải tạm thời hy sinh tình cảm riêng tư.: không được gặp để chào người thân; khi đi chọn những nẻo đường hẻo lánh để giã biệt quê hương...
Trong một đoạn nhật ký hành quân vào chiến dịch, ông Lan viết: “Chúng tôi lên đường hành quân vào Thanh Hóa vừa đi vừa hát bài "Bao chiến sĩ anh hùng", vừa đi vừa hò hát động viên anh em lúc đêm khuya, mỏi mệt”. Có một bài hát ra đời trong khí thế tưng bừng của những chặng đường tiến quân lên Điện Biên Phủ, bài "Đâu có giặc là ta cứ đi" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, lúc bấy giờ được bộ đội ta hết sức yêu thích. Ngay từ lúc lên đường, người chiến sĩ đã đẹp vô ngần với lòng yêu nước sục sôi, tinh thần cách mạng trong sáng.
…“Khi hành quân vào đến Thọ Xuân - Thanh Hóa thì tôi được bắt đầu huấn luyện quân sự tại trung đoàn 55 của Bộ tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi kết thúc khóa huấn luyện tôi xung phong đi đợt đầu. Đoàn bộ đội hành quân của chúng tôi liên tục đi sâu trong rừng rậm âm u, đúng như trong thơ Tố Hữu “Rừng che bộ đội - Rừng vây quân thù”. Sinh hoạt rất thiếu thốn, mỗi người trước khi đi được phát hai bộ quần áo xanh dệt thủ công cúc dừa, một bạt Trung Quốc, một bát sắt Trung Quốc, một đôi dày vải Bắc Hà, lán tự làm bằng tre, lợp vải xanh, không có màn. Thức ăn thì lấy măng rừng, cơm rá, nước lá quầy quầy. Rận chấy đầy quần áo, mình mẩy vì không được thay và không tắm, vắt và bọ cắn dứt thịt.
Hành quân lên Điện Biên theo đường 41, con đường ngoằn ngoèo uốn khúc như một con rắn khổng lồ, lúc xuyên rừng, lúc trườn lên đồi, lúc xuống suối, lúc vắt vẻo trên đèo cao... đi liên tục khoảng gần một tháng, cứ ngày nghỉ đêm đi, trung bình mỗi đêm đi được 30 km - có khi 40 km, từ khoảng 5 - 6 giờ chiều đến 3 - 4 giờ sáng hôm sau mới đến nơi trú quân, đến nơi trú quân thì đào hầm chống máy bay rồi mới ngủ, ngày hành quân nào cũng bảo đảm có giờ học tập. Nắng vừa tắt là quân từ rừng lại ùn ùn đổ ra đường lớn, tổ ba người bám chắc lấy nhau, bước chân hành quân thoăn thoắt, ngoài súng đạn còn mang trên người, cùng với cành lá ngụy trang, nào ba lô chăn màn, nào gạo, nào xẻng cuốc.
Những chiến sĩ chân đồng, vai sắt vượt bao nhiêu đèo cao, suối sâu và những con đường rừng ngút ngàn hiểm trở, qua Lang Chánh - Hồ Xuân - La Hán - Mộc Châu - Sơn La - Tuần giáo - Đèo Pha Đin, có lúc trời sắp sáng còn ở lưng đèo, phải vắt chân lên cổ mà chạy. Có những quãng đường đầy bom nổ chậm, đoàn hành quân phải lội xuống khe, xuống vực mà đi. Đằng đẵng những đêm mù sương, đùng đùng gió bấc, trời lạnh thấu xương mà áo trấn thủ đầm đìa mồ hôi như tắm mà tiếng hát đêm hành quân vẫn vang vọng cả núi rừng: “Mắt ta sáng chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước! Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Có thể nói trong không khí hùng tráng như vậy không gì làm chùn bước được đôi chân thần tốc của đoàn quân tiến lên Điện Biên Phủ”.3
Ông Nguyễn Tử Chương: Ông Nguyễn Tử Lan, với dấu ấn được Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã phong đặc cách chức Trung đội trưởng Trung đội quân báo (Trung đoàn 141) ngay ngày đầu tiên khi ông tham gia chiến dịch. Ông Lan và các đồng đội được giao nhiệm vụ trinh sát, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắt sống thiếu úy Jacques, lấy lời khai. Từ đó nắm được địa hình, chiến thuật của quân Pháp góp phần cho việc lên phương án chính xác trận đánh mở màn ở trung tâm đề kháng Him Lam.
Cũng bằng sự mưu trí, dũng cảm, nhóm của ông đã tiếp cận được tận nơi, sát hàng rào của các cứ điểm, bằng cách này, trung đội quân báo đã nắm bắt được thời điểm các sĩ quan chỉ huy Pháp tập trung giao ban tại hầm chỉ huy Him Lam vào 17 giờ hàng ngày, đây là một thông tin quan trọng giúp cho việc quyết định thời điểm nổ súng tấn công hiệu quả nhất. Và như đã biết quân ta đã tiêu diệt được hầu hết các sĩ quan chỉ huy Pháp ngay trong loạt đạt đầu tiên, khiến quân Pháp như rắn mất đầu và dẫn đến một chiến thắng nhanh gọn của quân đội ta trong trận mở màn ở trung tâm đề kháng Him Lam.
Ông Nguyễn Tử Chương: Sau ngày chiến thắng Điện Biên và tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Tử Lan ở lại Quân đội dạy học và làm báo với bút danh Hoài Nam. Đến năm 1957, ghi nhận những cống hiến và tri thức của ông, quân đội đã cử ông đi học lớp chế độ sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam để áp dụng phong quân hàm.
Ông Lan nhiều lần được tướng Lê Trọng Tấn hồi đó là Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312 làm công tác tư tưởng về việc phong cấp quân hàm và mong muốn ông tiếp tục ở lại Quân đội. Ngày ấy, song thân của ông ở quê nhà tuổi đã cao lại hay đau yếu, suốt nhiều năm chiến tranh ông chưa có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng. Những lá thư, những vần thơ viết vội tại mặt trận Điện Biên gửi về gia đình là nỗi lòng day dứt về chữ hiếu mà ông được ảnh hưởng sâu sắc từ đạo lý Nho giáo:
…“Chín chữ chưa đền công núi bể
Hai vai đã nặng gánh non sông”…
(Chúc thọ song thân – Nguyễn Tử Lan)
…“Vì nước quên nhà con ra đi
Cha đừng đau đớn nỗi phân li
Con đi, đi mãi bao giờ đến
Độc lập vinh quang con sẽ về”…
(Con ra đi – Nguyễn Tử Lan)
Những ngày cuối cùng trong quân đội, trước giờ phút chia tay, những người đồng đội viết về ông qua những dòng lưu bút, những vần thơ nghẹn ngào, thấm đẫm tình đời, tình người, tình bạn, sự nuối tiếc vì phải tạm biệt một người đồng chí, người quân nhân cách mạng mưu lược, dũng cảm nơi chiến trường mà hào hoa, ân tình, luôn hết lòng vì đồng đội.
...Trải bao chiến địa xông pha
Rừng bom bể lửa cũng là có nhau
Rừng xanh đi suốt đêm thâu
Leo đèo lội suối dắt nhau chẳng rời...
...Lan về phụng dưỡng song đường
Cho tròn hiếu đạo luân thường Á Đông
Đôi ta ghi tạc chữ đồng
Mai ngày cũng lúc tương phùng hạ xa...
...Mấy lời tiễn biệt nôm na
Chúc Lan mạnh khoẻ về nhà bình yên
Chữ rằng thiên lý lương duyên.
(Kim - Lan tiễn biệt – Trịnh Kim6)
Ông đã viết đơn một mực từ chối (lá đơn ấy sau này gia đình ông đã tìm lại được và hiện đang được lưu giữ cùng những kỷ vật khác). Ông Nguyễn Tử Lan cảm ơn sự quan tâm của tướng Lê Trọng Tấn và các thủ trưởng Đại đoàn 312 rồi phục viên.
1 Thời điểm ấy gọi là "Đại đoàn", sau này là “Sư đoàn”. Ông Nguyễn Tử Lan ở đơn vị chủ công tiểu đoàn 428, trung đoàn 141, Đại đoàn 312.
2 Trích nhật ký hành quân - Nguyễn Tử Lan.
3 Là một người đồng đội của ông Nguyễn Tử Lan ở Sư đoàn 312. Ông Trịnh Kim quê ở thôn Thanh Dương, xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Sau giải phóng Điện Biên ông lập gia đình và sinh sống tại thị xã Sơn La (nay là thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La).
Lâm Thanh - Thanh Trà
Trình bày: Thanh Trà