Văn hóa- Thể thao

Khâu Vai - phiên chợ tình lãng mạn

PV 06/05/20 - 13:38

Khi nhắc đến Khâu Vai, người ta không chỉ biết đến vẻ đẹp bởi phong cảnh núi non hoang sơ, trùng điệp, kết với màu xanh óng ánh của lớp lớp những nương ngô ẩn hiện trong nền mây thấp, mà còn đẹp bởi nơi đây có một phiên chợ gọi là “chợ tình”.

mung0673-1-.jpg
Trung tâm xã Khâu Vai, nơi tổ chức phiên chợ tình Phong Lưu.

Từ trung tâm huyện Mèo Vạc, vừa đi vừa chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa mênh mông đá xám, tôi, một người khách từ phương xa lên Hà Giang, háo hức được một lần trải nghiệm phiên chợ chỉ họp một lần trong năm. Tới đây, tôi “nghiện” luôn cái không khí náo nức của người đi chơi chợ, dù còn một ngày, một đêm nữa, phiên chợ đặc biệt miền biên ải ấy mới chính thức khai mạc.

mung0992.jpg
Đoàn rước dâng hương miếu Ông, miếu Bà.

Sau bao nỗ lực dựng xây của chính quyền, cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, con đường từ Mèo Vạc qua Cán Chu Phìn, Lũng Pù để vào Khâu Vai dài 22 cây số, lượn dưới chân dãy núi Sán Séo Tỉ ngất trời, băng qua những rừng đá, nương đá, nhấp nhô, đã được mở rộng thênh thang và trải nhựa từ nhiều năm về trước.

mung0900.jpg
Dòng người tấp nập đổ về phiên chợ.

Chợ tình Khâu Vai còn có tên gọi khác là chợ tình Phong Lưu, bắt nguồn từ một câu chuyện tình đẹp mà buồn giữa chàng Ba và nàng Út. Mối tình ấy dang dở bởi sự ngăn cấm của gia đình và tục lệ của dân tộc.

mung1041.jpg
Hoạt động văn nghệ tại chợ Phong Lưu Khâu Vai.

Hai con người đã cùng thực hiện lời thề ước năm xưa bên nhau vào ngày cuối cùng của cuộc đời - 27/3 âm lịch cũng chính là ngày họ nắm chặt tay nhau đi về cõi vĩnh hằng. Chuyện tình đẹp về đôi trai tài gái sắc này đến nay vẫn được nhắc tới.

mung1058.jpg
Đến với chợ Phong Lưu Khâu Vai không chỉ là những cặp đôi yêu nhau không đến được với nhau mà còn có các chàng trai, cô gái mới lớn tìm tình yêu cho mình.

Vì chợ mỗi năm chỉ diễn ra một lần nên người ta thêm nâng niu, trân trọng từng phút giây. Vào chiều ngày 26/3 âm lịch, dòng người đã bắt đầu rộn ràng kéo nhau xuống chợ. Giữa khung cảnh xám xịt của đá tai mèo đan chút nắng hạ là hình ảnh cả khu chợ hiện lên với bao nhiêu sắc màu.

mung0909.jpg
Ánh mắt của thiếu nữ Mông.

Những thiếu nữ Mông má ửng hồng xúng xính trong trang phục váy áo thổ cẩm truyền thống, nét mặt rạng rỡ. Những chàng trai với anh mắt mải miết kiếm tìm ngân lên tiếng khèn da diết gọi người con gái vi vu giữa núi rừng.

mung0914.jpg
Nụ cười duyên của cô gái Mông.

Tại lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn mang đậm bản sắc như: Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; lễ cầu duyên, cầu an; trình diễn, giao lưu thổi Khèn Mông; nghe hát dân ca dân tộc Nùng, dân tộc Giáy; dự hội múa trống đồng, múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô… và tham quan những gian hàng triển lãm, trưng bày các sản phẩm du lịch địa phương.

Dịp này cũng là ngày hội thực sự của cộng đồng các dân tộc anh em cùng sinh sống tại Mèo Vạc nói riêng và mảnh đất Hà Giang nói chung. Trong phiên chợ, ta sẽ bắt gặp những cô gái Lô Lô tìm về từ các bản làng của xã Xín Cái bốn mùa chìm trong mây trắng tinh như bông gòn, các bà, các mẹ người Dao rảo bước đi bộ từ Sủng Máng cách đó hơn chục cây số.

Những cô gái người Mông rủ nhau tới chợ để khoe bộ váy vừa thêu xong vẫn còn nguyên nếp hồ, hay chàng trai Khâu Vai khoe điệu khèn tình tứ.

Thắng cố, rượu ngô là thứ được nhiều người thích nhất. Chảo bắc như chạm vào đỉnh núi, chóe rượu xếp tràn thung, như ruộng dưa hấu dưới đồng bằng. Hay để chắc cái bụng hơn thì ăn một bát xôi bảy màu dẻo thơm mùi thảo mộc, ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Trải khắp một không gian rộng lớn trên đồi, dưới thung là những đám quay, ném pao, múa khèn… Tách ra, rải rác đó đây trên những vạt rừng thưa thoáng là những tay ô, những tiếng kèn lá, đàn môi, những tiếng hát rủ nhau, chài nhau, đuổi nhau vang vọng.

Vậy đó, người ta đi chợ để chơi, để xem, để tìm nhau, hò hẹn nhau, giao đãi nhau… Có người đi chợ mang hàng về. Có người đi chợ mang “vợ” về! Giống như nhà thơ Trương Hữu Thiêm từng tình tự: Có vợ đem theo vợ/ Có chồng rủ cả chồng/ Không có cứ đến chợ/ Sẽ gặp người đi không…

mung0933.jpg
Trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc tại huyện Mèo Vạc như điểm nhấn của Lễ hội.

Bâng khuâng nhớ mấy câu hát: “Người ơi xuống núi cùng em, hãy mang theo ngựa và đi một mình, em đây tuy chẳng còn xinh, có ô che nắng chợ tình phong lưu” mà tự nhiên trong lòng cũng thấy rộn ràng như thể có người năm xưa đang khẩn thiết chờ đợi. Mà kể có thật đi chăng nữa thì cũng biết tìm đâu giữa trăm hồng nghìn tía Khâu Vai lúc này?

mung0926.jpg
Đến với Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị.

Theo kế hoạch, Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai (Mèo Vạc) năm 20 diễn ra trong 2 ngày 4-5/5. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, trong tối 4/5 tại xã Khâu Vai đã xảy ra gió, lốc kèm mưa to, do vậy, UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã phải quyết định hủy chương trình Khai mạc Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 20 và một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian diễn ra trong tối 5/5.

PV