Đời sống

Về Quảng Bình nghe cựu chiến binh Điện Biên Phủ kể chuyện kéo pháo nghi binh

Phong Nha 07/05/20 - 09:49

Dù tuổi đã cao, nhưng mỗi cựu chiến binh (CCB) ở Quảng Bình vẫn không quên ký ức “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” để cùng với đồng đội làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những ngày đầu tháng 5 Quảng Bình nắng nóng như đổ lửa. Chúng tôi tìm về nhà CCB Đặng Văn Duy (94 tuổi) thôn Trung Quán, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh.

Pha ấm trà mời khách, ông Duy hồi nhớ lại 70 năm về trước: Năm 1949, tôi nhập ngũ lúc 19 tuổi và tham gia đánh trận Xuân Bồ (Xuân Thủy, Lệ Thủy). Sau đó, tôi được cử đi học tại phân khu Bình Trị Thiên rồi được đề bạt làm Trung đội phó và tiếp tục được lệnh chuyển về Đại đoàn 304. Tôi đã cùng đồng đội tham gia các chiến dịch: Biên Giới, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc.

ccb-dang-van-duy.jpg
Cựu chiến binh Đặng Văn Duy kể lại chuyện kéo pháo nghi binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi giữ vai trò là Trung đội phó phụ trách khẩu đội pháo 75mm. Ngày đó, pháo được vận chuyển vào trận địa hoàn toàn bằng sức người. Một Trung đội có người khiêng pháo và người vác đạn đi giữa đường núi gồ ghề, khúc khuỷu, dốc cao vực thẳm nhưng không ai nản chí, luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.

“Sau khi kéo pháo vào trận địa sẵn sàng chiến đấu thì Trung đội nhận được lệnh kéo pháo ra với mục tiêu phải “đánh chắc, thắng chắc”. Lúc kéo pháo vào gian nan, vất vả bao nhiêu thì lúc kéo ra càng khó khăn gấp bội. Có những đoạn đường một bên là sườn núi chênh vênh, một bên là vực sâu, nếu lỡ trượt bánh lăn pháo thì người và pháo chẳng còn”, ông Duy nói.

Tuy nhiên, trong gian khó, bộ đội ta đã sáng tạo sử dụng ống cây lồ ô chẻ 4 ra rồi đút đạn vào trong, như vậy một người lính có thể vác được 3 quả đạn pháo. Cứ như thế, ngày khiêng pháo vào, đêm vác pháo ra liên tục hơn nửa tháng. Đây gọi là kế nghi binh để giặc nghĩ rằng pháo binh đã rút đi rồi không có nữa, tạo được tính bất ngờ để giành thắng lợi.

Với CCB Đỗ Xuân Tịch (102 tuổi) ở tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ký ức năm xưa như vẫn vẹn nguyên: Năm 1953, khi chiến tranh ác liệt, ông Tịch viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.

ccb-do-xuan-tich.jpg
Cựu chiến binh Đỗ Xuân Tịch, mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ký ức về năm tháng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên.

Sau đó, ông được biên chế vào Đại đội 834, Tiểu đoàn 396, Trung đoàn pháo cao xạ 367, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu. Tiểu đoàn của ông có nhiệm vụ khống chế vùng trời phía Đông Nam, tiêu diệt không cho máy bay địch oanh tạc và thả dù tiếp tế tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ông được phân công làm anh nuôi, chuyên lo lương thực, nước uống cho đồng đội.

Thời điểm đó, mọi thứ đều khan hiếm nhưng phải bảo đảm bữa ăn cho đồng đội hàng ngày. Ông phải vào rừng tìm bắp chuối, rau tàu bay… để nấu ăn cho đơn vị. Tuy nhiên, khó khăn nhất là việc tiếp nước uống.

“Bởi chiến trường khắc nghiệt, rất dễ bị mất sức, do đó việc tiếp nước uống là rất quan trọng. Có lúc bom đạn xối xả, bất chấp nguy hiểm, chúng tôi vẫn tìm cách để tiếp cận đưa nước cho đồng đội. Sau mỗi trận đánh, đồng đội lập được chiến công là cả đơn vị quên hết mệt nhọc, nguy hiểm, cùng xốc lại tinh thần để chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo”, ông Tịch chia sẻ.

Trong căn nhà nhỏ với nhiều bằng khen gắn liền với những năm tháng khói lửa chiến tranh, nhưng kỷ vật được giữ gìn cẩn thận gần 70 năm qua là chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” luôn được treo ở một vị trí trang trọng. CCB Phạm Tinh Vi (thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh), người góp mặt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ không dấu nổi tự hào.

ccb-pham-tinh-vi.jpg
Cựu chiến binh Phạm Tinh Vi (ngồi giữa) kể về những ngày đêm khói lửa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Vi nói, tôi xung phong nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi. Sau đó được điều động ra Bắc làm nhiệm vụ vận tải, mở đường. Cuối năm 1953, Đại đội của ông xuất phát từ Thanh Hóa hành quân lên biên giới nhận vũ khí để mở đường từ về Tuần Giáo (Điện Biên).

Ông cùng đồng đội và lực lượng dân công hỏa tuyến xuyên rừng mở đường, nối thẳng ra tuyến đường chính. Dưới bàn tay của chiến sĩ công binh, từ những con đường bị máy bay địch cày nát, nhanh chóng trở thành đường mới, bảo đảm vận tải thông suốt vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch.

“Để ngăn bộ đội ta mở đường, máy bay địch quần thảo bắn phá ác liệt ngày đêm. Tuy nhiên, mặc mưa bom, bão đạn, bộ đội ta vẫn thay nhau làm cả ngày cả đêm, không ngừng nghỉ để kịp tiến độ, hoàn thành cung đường cho xe qua, gấp rút cho kịp thời gian. Cứ thế, những tuyến đường đã được mở sâu vào lòng Điện Biên, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần quan trọng tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử”, ông Vi ôn lại kỷ niệm hào hùng của thời trai trẻ.

Với những người lính Điện Biên, những nắm cơm muối, điếu thuốc chia nhau, hay bát canh rau rừng trong ngày nắng như thiêu như đốt... đã trở thành kỷ niệm khó quên. Vượt qua tất cả, bằng sự lãnh đạo tài tình của Người Tổng chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người lính Cụ Hồ năm ấy đã chiến đấu kiên cường làm nên lịch sử tự hào của dân tộc.

quang-binh.jpg
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch thăm, tặng quà cho cựu chiến binh Điện Biên Phủ.

Đại tá Trần Ngọc Sâm, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Bình cho biết, những ngày tháng 5 lịch sử này, quân và dân cả nước đang ôn lại khí thế hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cán bộ, Nhân dân, cấp đoàn tại tỉnh Quảng Bình cũng đã đến thăm, tặng quà bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các liệt sỹ, chiến sĩ Điện Biên trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

“Chúng tôi mong rằng, thân nhân các gia đình liệt sỹ, chiến sĩ Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, giáo dục con cháu noi gương lao động, học tập tốt, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”, Đại tá Trần Ngọc Sâm mong muốn.

70 năm trôi qua, những ký ức về “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vang vọng chưa bao giờ phai mờ với những người lính ngày ấy. Những người lính bình dị mà anh dũng đã làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, để thế hệ trẻ mãi mãi khắc ghi và tự hào.

Phong Nha