Sạt lở đất tại Hà Tĩnh làm 7 người thương vong, Thủ tướng ra công điện
Liên quan sự cố mưa to gây sạt lở đất vùi lấp một lán trại của công nhân thi công đường dây 500 kV tại khu vực phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh làm 3 người chết, 4 người bị thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xác minh nguyên nhân sự cố sạt lở để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn cho người lao động và nhân dân, xử lý nghiêm trách nhiệm (nếu có sai phạm) theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 45/CĐ-TTg ngày 7/5/20 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương.
Công điện nêu: Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, chiều ngày 06 tháng 5 năm 20 đã có mưa to gây sạt lở đất vùi lấp một lán trại của công nhân thi công đường dây 500 kV tại khu vực phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, làm 3 người chết, 4 người bị thương. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất, tập trung một số nhiệm vụ sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo cơ quan chức năng, cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn theo đúng quy định; kịp thời cứu chữa những người bị thương; khẩn trương xác minh nguyên nhân sự cố sạt lở để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn cho người lao động và nhân dân, xử lý nghiêm trách nhiệm (nếu có sai phạm) theo đúng quy định của pháp luật.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, dự báo thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, thiên tai, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lớn cục bộ để các chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định.
3. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và chủ đầu tư các công trình, dự án khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, kiên quyết không cho phép làm các lán trại, nhà tạm tại những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, gây nguy hiểm đến tính mạng của công nhân và người dân.