Dòng chảy của vàng: Trung Quốc tăng tốc mua và sản xuất vàng, Việt Nam là ẩn số
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc tăng tốc mua và sản xuất vàng nhưng lượng dự trữ kim loại quý của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn thua xa Mỹ. Trong khi đó, quy mô vàng của Việt Nam lại là ẩn số và không được đưa vào danh sách thống kê.
Là một trong những kim loại quý nhất thế giới, vàng là một loại khoáng chất có màu vàng đỏ tươi, có ký hiệu nguyên tố Au. Do sự kết hợp độc đáo giữa các đặc tính thực tế và thẩm mỹ, vàng dễ uốn, dẻo, dẫn điện, chống ăn mòn, tất nhiên là rất đẹp nên vàng có vô số công dụng.
Những công dụng của vàng có thể kể đến như: đồ trang sức, tiền đúc, tấm chắn tia hồng ngoại, lá vàng, phục hồi răng, máy tính và các thiết bị điện khác... Bất chấp tính hữu dụng của nó, vàng về bản chất là tương đối hiếm, thực tế này khiến nó càng có giá trị hơn.
Vàng đã được sử dụng như một dạng tiền tệ từ thời cổ đại, cuối cùng dẫn đến việc thiết lập chế độ bản vị vàng. Được sử dụng rộng rãi trong thế kỷ 19 và 20, bản vị vàng là một hệ thống tiền tệ trong đó các quốc gia đảm bảo giá trị của tiền giấy và tiền xu bằng cách giữ giá trị tương đương của vàng thực tế.
Bản vị vàng trở nên kém thực tế hơn khi nền kinh tế phát triển và hiện không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới sử dụng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn nắm giữ lượng vàng dự trữ đáng kể. Trong nhiều năm gần đây, vàng có xu hướng “chảy” nhiều sang Trung Quốc, Nga nhưng Mỹ vẫn là người sở hữu số 1.
Vàng “chảy” về Trung Quốc nhưng Mỹ sở hữu số 1
Dữ liệu mới nhất do Hội đồng vàng thế giới (WGC), cơ quan gồm các nhà sản xuất vàng công bố, tính đến hết năm 2023, Trung Quốc là nước mua vàng lớn nhất. Chỉ riêng ngân hàng trung ương nước này đã mua 225 tấn vàng.
Đồng thời, Trung Quốc vượt qua Ấn Độ để trở thành nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới vào năm 2023 với nhu cầu về đồ trang sức của Bắc Kinh tăng 10% và đầu tư tăng 28%. Công bố Xu hướng nhu cầu vàng cho năm 2023 và quý 4 năm 2023, WGC đánh giá Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính.
Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn trở thành nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Mỗi năm, đất nước tỷ dân khai thác ít nhất 300 tấn và đã làm như vậy trong hơn mười năm. Con số vàng người dân Trung Quốc thu được nhờ hoạt động khai thác trong năm 2023 lên đến 370 tấn, cao hơn nhiều so với con số 310 tấn của Australia, 310 tấn của Nga, 200 tấn của Canada và 170 tấn của Mỹ.
Có thể thấy, bằng nhiều cách khác nhau, vàng đang có xu hướng “chảy” về Trung Quốc. Thế nhưng, Mỹ vẫn là người sở hữu số 1.
Theo dữ liệu mới nhất do WGC công bố, Mỹ có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới với 8.133 tấn, nhiều hơn Đức và Ý cộng lại. Mỹ cũng có tỷ lệ phân bổ vàng cao nhất tính theo tỷ lệ dự trữ ngoại hối, khoảng 76%. Phần lớn vàng của Mỹ được cất giữ ở Fort Knox ở Kentucky.
Đứng sau Mỹ về lượng dự trữ vàng là Đức (3.353 tấn), Italy (2.452 tấn), Pháp (2.437 tấn), Nga (2.333 tấn), Trung Quốc (2.192 tấn), Thụy Sĩ (1.040 tấn), Nhật Bản (846 tấn), Ấn Độ (801 tấn) và Hà Lan (612 tấn).
Dự trữ vàng là số vàng do ngân hàng trung ương của một quốc gia nắm giữ để hỗ trợ giá trị của đồng tiền quốc gia. Trong thời kỳ bản vị vàng, nó được sử dụng như một sự đảm bảo để thực hiện các lời hứa trả cho người gửi tiền, người giữ trái phiếu và các nhà giao dịch ngang hàng. Ngoài ra, các khoản dự trữ được chính phủ tích lũy để đáp ứng chi phí tiến hành chiến tranh cũng như để thu thập và nắm giữ “kho báu”, bởi vì các chính sách thời đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm như vậy.
Dự trữ vàng là một công cụ hữu ích cho các chính phủ, có thể mua một lượng lớn vàng để chống lại lạm phát gia tăng. Ngoài ra, giá trị xuất nhập khẩu từ một quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với đồng tiền của quốc gia đó. Nếu nhập khẩu vượt quá xuất khẩu, giá trị của đồng tiền sẽ giảm và ngược lại. Điều này có nghĩa là một quốc gia xuất khẩu vàng và có lượng vàng dự trữ dư thừa thường có thể thấy đồng tiền của mình tăng giá. Mặt khác, vàng cũng có thể làm giảm giá trị của đồng tiền dùng để mua nó. Nếu nhiều giao dịch được thực hiện bằng vàng, nó có thể làm mất giá đồng nội tệ và gây ra lạm phát.
Quy mô vàng của Việt Nam là ẩn số
Dòng chảy của vàng trên phạm vi toàn cầu khó rõ nét nhưng tại Việt Nam tình hình lại khác đi rất nhiều. Không ai biết chính xác Việt Nam có bao nhiêu vàng, hoặc chỉ “áng chừng” thôi cũng là điều rất khó. Có lẽ vì vậy mà Việt Nam không có tên trong danh sách thống kê dự trữ vàng dù nhiều nước ASEAN được “điểm danh”.
Theo danh sách Dự trữ vàng của các quốc gia, nhiều đất nước đến từ khối ASEAN được điểm danh. Sở hữu nhiều vàng nhất trong khối là Thái Lan với 4 tấn. Đứng sau là Singapore (230 tấn), Philippines (165 tấn), Indonesia (79 tấn), Campuchia (42 tấn), Malaysia (39 tấn), Myanmar (7 tấn), Lào (1 tấn).
Trước đây, nhiều thông tin cho rằng Việt Nam có khoảng 400 tấn đến 500 tấn vàng đang nằm trong dân. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng cho biết Việt Nam không có bất kỳ thống kê chính thức nào về lượng vàng trong dân, tất cả đều là dự đoán, ước lượng.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Nguyễn Xuân Thành đưa ra những con số táo bạo hơn rất nhiều. Theo đó, vào cuối năm 2023, có khoảng 2.000 tấn vàng trong nền kinh tế Việt Nam.
Nếu dự báo này là chính xác, Việt Nam sẽ là nước có dự trữ vàng lớn thứ 6 thế giới đứng trên cả những “cường quốc vàng” như Ấn Độ, Thụy Sĩ,…
Tuy nhiên, “dòng chảy” của vàng tại Việt Nam lại khác với phần lớn các nơi khác trên thế giới. Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, đa phần vàng ở Việt Nam được các hộ gia đình dự trữ và làm đồ trang sức. Lượng vàng này sẽ tồn tại mãi mãi và sẽ không thực tế nếu sử dụng bất kỳ công cụ nào để huy động một phần đáng kể của nó cho các mục đích sử dụng khác.
Vàng “nằm trong dân” là chính nên lượng giao dịch vàng cũng không quá lớn so với quy mô nền kinh tế. Tổng số vàng tiêu thụ năm 2023 tại Việt Nam là 55 tấn, có giá trị gần 3,5 tỷ đô la Mỹ.
Vàng chiếm khoảng 12,5% trong danh mục vàng + tiền gửi tiết kiệm + cổ phiếu + trái phiếu + bảo hiểm); và 7% trong danh mục trên + bất động sản. Nếu bao gồm các loại tài sản khác như tiền số chẳng hạn thì tỷ lệ vàng còn thấp hơn đáng kể.
Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần nhắc đến việc huy động vàng trong dân, để lấy nguồn lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, mong muốn này chưa thực hiện được.
Mới đây, GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất cơ quan điều hành nghiên cứu, xây dựng chiến lược trong đó thị trường vàng như là bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính, có năng lực hội nhập và liên thông với thế giới.
Ông Đạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần huy động với điều kiện, tiêu chí cụ thể để cho phép sở giao dịch hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng thông qua các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn.