Chuyên gia nêu 3 yếu tố khiến lãi suất cho vay khó tăng
Các chuyên gia nhìn nhận, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể bởi 3 yếu tố.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng đạt 1,52%, tương đương khoảng 13,78 triệu tỷ đồng được cho vay ra nền kinh tế. Các chuyên gia nhận định, từ quý II trở đi, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh do nền kinh tế đang hồi phục.
Thị trường liên ngân hàng trở nên sôi động khi lãi suất tăng vọt ở các kỳ hạn, cụ thể lãi suất qua đêm từ mức 0,1% cuối tháng 3 leo lên mức đỉnh 4,9% vào ngày 17/4, sau đó hạ nhiệt và duy trì quanh vùng 4,4% trong tuần cuối tháng.
Chuyên gia công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 20 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Mặc dù lãi suất huy động tăng, nhưng các ngân hàng cho biết lãi suất đầu ra không thay đổi, thậm chí là giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay bình quân các khoản vay mới là 6,4%/năm, giảm 0,7% so với cuối năm ngoái.
Các chuyên gia nhìn nhận, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể, bởi với việc điều chỉnh giảm biên độ lợi nhuận trên từng khoản vay, các ngân hàng thương mại sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể nếu vẫn muốn đạt chỉ tiêu lợi nhuận chung vào cuối năm. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại, cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả như mong đợi.
PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Phó trưởng Bộ môn Ngân hàng thương mại, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng: "Sẽ khó có cú sốc tăng mạnh lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm. Nếu có tăng cũng chỉ là sự điều chỉnh mang tính cục bộ và mức tăng sẽ không cao".
Có 3 yếu tố khiến lãi suất cho vay khó tăng.
Thứ nhất là dù lãi suất huy động tăng nhưng nền chi phí huy động vốn của ngân hàng không bị ảnh hưởng nhiều.
Thứ hai là Chính phủ và NHNN đang thực hiện ráo riết, đồng bộ các biện pháp khơi thông dòng chảy về vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là lực kìm hãm đà tăng lãi suất.
Yếu tố cuối cùng là ngay trong tháng 3 và 4, khi tín dụng tăng trở lại, NHNN bơm ròng thông qua thị trường mở để cung đủ thanh khoản cho trường hợp một số ngân hàng đơn lẻ bị thiếu thanh khoản. Động thái này giúp mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng không tăng quá cao, và lãi suất huy động trên thị trường cũng không tăng mạnh.