Tìm hướng phát triển cho du lịch làng nghề Hồng Vân
Nhờ khai thác thế mạnh, tiềm năng trong phát triển du lịch, văn hóa của vùng đất ven sông Hồng, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội đã từng bước "thay da đổi thịt". Việc khai thác du lịch gắn với gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại địa phương mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch thông minh, bền vững…
Gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống
Xã Hồng Vân có hai làng được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là “Làng nghề sinh vật cảnh” năm 2008 với nhiều nghệ nhân giỏi và các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng. Địa danh này còn in đậm dấu ấn Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung và tín ngưỡng thờ Mẫu. Xã có “Chợ Mới ông Già” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh là “Ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết về cha con Chử Đồng Tử vào thời Hùng Vương”. Nằm trong quy hoạch phát triển du lịch sinh thái và vành đai xanh của Thành phố, xã có những điều kiện kiện thuận lợi để phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, nhất là du lịch sinh thái - làng nghề và du lịch văn hóa - tâm linh.
Để bảo tồn “cái nôi” văn hóa lịch sử, 3 năm trở lại đây, trong 3 ngày từ 1-3/4 Âm lịch, xã tổ chức chương trình “Lễ hội Tình yêu”. Đây là lễ hội văn hóa - du lịch đặc sắc, ý nghĩa và lớn nhất trong năm tại địa phương.
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, Trưởng ban tổ chức “Lễ hội tình yêu” năm 20, cho biết: Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị cao đẹp, nhân văn, bất tử của Truyền thuyết “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” trên mảnh đất Hồng Vân. Lễ hội với các chương trình nghệ thuật đặc sắc, đa dạng các hoạt động, vui chơi, giải trí, tham quan, trải nghiệm, tổ chức sự kiện, gặp mặt, mua sắm... hứa hẹn đem đến cho du khách những cảm nhận hấp dẫn và ý nghĩa. Thông qua Lễ hội, địa phương mong muốn tiếp tục quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Hồng Vân cùng với các giá trị văn hóa, tín ngưỡng bản địa, góp phần lưu giữ những giá trị trường tồn của dân tộc.
“Lễ hội cũng là dịp từng bước mở rộng, kết nối với các địa phương trong vùng lõi của Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Đặc biệt, kết nối đôi bờ sông Cái với các địa phương thuộc tỉnh Hưng Yên để cùng liên kết và phát triển du lịch văn hóa; góp phần đa dạng hóa, tăng sức hấp dẫn các sản phẩm du lịch”, ông Trần Quốc Bảo nhấn mạnh.
Không chỉ có hoạt động Lễ hội, dịp này, xã còn có hoạt động giới thiệu Điểm Du lịch Làng quê Hồng Vân - một trong 06 mô hình thí điểm phát triển du lịch du lịch nông nghiệp, nông thôn của Thành phố trong giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, điểm nhấn là du lịch văn hóa phát triển.
Trở thành điểm đến hấp dẫn
Những năm qua, chính quyền và Nhân dân xã Hồng Vân đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các kế hoạch nhằm xây dựng, phát triển và quảng bá, kết nối các hoạt động du lịch của xã và liên kết với các địa phương. Phong trào “Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp” và “Xây dựng người Hồng Vân thân thiện, mến khách” đã phát huy giá trị vào những kết quả của địa phương. Năm 20, xã Hồng Vân tiếp tục tập trung đầu tư phát triển thương mại, du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác. Đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng và đồng bộ hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch.
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng cho biết, thực hiện mục tiêu chung, xã chỉ đạo và hướng dẫn việc đầu tư xây dựng các khu, điểm khai thác thương mại, dịch vụ (gồm cơ sở lưu trú, ẩm thực; cơ sở dịch vụ; điểm tổ chức sự kiện, vui chơi giải trí...) theo chuỗi liên kết nhằm thu hút và phục vụ du khách về xã. Trong đó, tập trung hoàn thành xây dựng Chợ cá cụ Chử và các công trình trong quần thể văn hóa liên quan đến Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung để tạo điểm nhấn về du lịch văn hóa. Triển khai kế hoạch đầu tư, xây dựng các khu trải nghiệm kết hợp với khai thác các giá trị văn hóa bản địa, đa dạng các sản phẩm dịch vụ; tạo tiền đề nhân rộng các khu, điểm phát triển dịch vụ - du lịch...
Không chỉ phát triển du lịch đơn thuần, định hướng của xã cũng xác định rõ việc tạo chuỗi liên kết trong vùng du lịch và từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các xã trong huyện. Đồng thời, nâng cao chất lượng, quảng bá và mở rộng thị trường đối với sản phẩm OCOP, trong đó trọng tâm là OCOP đối với sản phẩm du lịch, nâng tầm giá trị, chất lượng sản phẩm.
Được biết, xã Hồng Vân đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch. Mặt khác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang sản xuất hàng hóa và thí điểm đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp vào khai thác dịch vụ, du lịch theo chuỗi liên kết, kết hợp khai thác các dịch vụ du lịch như tham quan, trải nghiệm, lưu trú, bán hàng lưu niệm... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế, lao động có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, du lịch; giảm tỷ trọng công nghiệp, nông nghiệp.
Mong muốn của xã hiện nay, để khai thác hiệu quả, phát huy giá trị kinh tế, cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho thí điểm việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch trên đất nông nghiệp trong điểm du lịch của xã, tạo điều kiện cho người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa khai thác hạ tầng du lịch để phục vụ du khách trải nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Mặt khác, quan tâm, lồng ghép đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ phát triển thương mại, du lịch, làng nghề của xã trong danh mục các công trình mục tiêu, trọng điểm của huyện về phát triển thương mại, du lịch, làng nghề…
Từng bước chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái làng nghề, đưa du lịch hiện hữu toàn diện, đó là mục tiêu và đích của xã Hồng Vân trong quá trình phát triển phẩm du lịch theo hướng đặc trưng, độc đáo...