Giáo dục

Học sinh dân tộc thiểu số chung tay bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống

Gia Ân-Lữ Phú 17/05/20 - 05:59

Cùng với đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, năm học 2023 – 20, ngành giáo dục huyện vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An) đã đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn. Đặc biệt là đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương vào giáo dục học đường.

Độc đáo trang phục truyền thống thay thế đồng phục

Đều đặn vào thứ 2 đầu tuần, các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học xã Mường Lống 1, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) sẽ mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đến trường.

2(1).jpg
Ngoài việc tham gia học tập các em được hoạt động trải nghiệm ngoài giờ.

Đồng thời, các em học sinh cũng được tham gia các hoạt động ngoại khóa, thực hiện múa hát sân trường bằng các bài múa theo phong cách trình diễn của đồng bào dân tộc Mông. Phong trào này được nhà trường duy trì nhiều năm nay và đã trở thành nét đẹp trong văn hóa học đường, được phụ huynh và học sinh hưởng ứng tích cực.

Thầy giáo Trịnh Hoàng Tuấn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mường Lống 1, chia sẻ: Chúng tôi nhận thấy qua các hoạt động này, ngoài việc rèn luyện kỹ năng sống cho các em còn giúp các em biết yêu thêm về quê hương đất nước, yêu cái đẹp. Từ đó, các em có ý thức hơn trong việc xây dựng bản làng, xây dựng các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình".

1(1).jpg
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Mường Lống 1, mặc trang phục truyền thống dân tộc Mông vào các ngày thứ 2 và thứ 5 hàng tuần.

Còn tại trường Mầm Non xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, địa phương có gần 80% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, ngoài được tham gia trải nghiệm tại các khu vui chơi ngoài trời, các cháu học sinh còn được tham gia học tập, làm quen với các đồ dùng, trang phục truyền thống của đồng bào mình.

Thông qua những lớp học như thế này, các cháu được khoác lên mình những sản phẩm thổ cẩm truyền thống và được các cô giáo kể về những giá trị văn hóa của các sản phẩm thổ cẩm của từng dân tộc.

Lưu giữ những nét đẹp đắc sắc của các dân tộc

Cô Vi Thị Thiết, Phó hiệu trưởng Trường Mầm Non Hữu Lập, Kỳ Sơn, cho biết: “Để giá trị văn hóa cốt lõi, những nét đẹp đắc sắc của các dân tộc nơi đây không bị mai một thì nhà trường đã lồng ghép nội dung giáo dục cho trẻ nhận biết và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình vào trong các chủ đề, chủ điểm. Ví dụ như: Chủ điểm ngành nghề, chúng tôi đưa trẻ đến trải nghiệm tổ dệt bản Na, ở đó các cháu được thực hành các thao tác dệt vải, quay sợi và được lắng nghe các bà, các mẹ giới thiệu các sản phẩm của làng nghề, giới thiệu công dụng và ý nghĩa của từng bộ trang phục".

5(1).jpg
Bộ nhạc cụ “Quảnh lòng” một loại nhạc cụ được sử dụng từ loại dụng cụ lao động thường ngày của người Thái.

Thời gian qua, các nhà trường trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã thực hiện lồng ghép chương trình giáo dục địa phương theo hình thức tích hợp trong một số môn học, hoạt động ngoại khóa để truyền dạy cho học sinh về trang phục, các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc, các di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian... Tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm, hội thi liên quan đến văn hóa các dân tộc cho học sinh.

7.jpg
Tham gia học tập, làm quen với các đồ dùng, trang phục truyền thống của đồng bào mình.

Đầu năm học 2023 -20, ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường xây dựng chủ điểm cụ thể từng tháng của năm học. Trong đó, từng tháng có các chủ đề, chủ điểm về bảo tồn các di sản văn hóa của địa phương, lồng ghép vào giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhằm giáo dục cho các cháu biết cách bảo tồn các di sản văn hóa địa phương”, thầy giáo Phạm Viết Phúc, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn, cho biết.

4(1).jpg
Giáo viên trường Mầm Non xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn dạy cho học sinh về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Kỳ Sơn là địa phương có trên 95% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng bào nơi đây có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo được gìn giữ lâu đời.

Để khai thác giá trị văn hóa, tạo ra không gian học tập vừa gần gũi, thú vị, vừa dạy cho thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc ngay khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường là điều hết sức cần thiết và ý nghĩa.

Gia Ân-Lữ Phú