Đời sống

Khai giảng khoá bồi dưỡng “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương”

Minh Anh 17/05/20 - 10:14

Sáng 17/5 tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức khóa bồi dưỡng “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương”.

Tới dự lễ khai giảng khóa học có ông Lê Quốc Trung, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn cao cấp của Trung tâm Bồi Dưỡng nghiệp vụ báo chí.

3f7d9d88-b5bc-4a10-b39d-745a627e4c42.jpeg
Quang cảnh khoá học.

Các giảng viên tham gia buổi tập huấn gồm: PGS. TS Đinh Thị Thuý Hằng - Cố vấn cao cấp và Nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Nhà báo Đặng Thị Huệ, Nguyên Phó Giám đốc Hệ Phát thanh dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam. PGS. TS Lê Lan Chi, Chủ nhiệm Khoa Tư pháp hình sự Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lớp học có sự tham gia của gần 40 phóng viên đến từ các cơ quan báo chí tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, An Giang, Lào Cai, Hoà Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Ninh Bình…

Phát biểu khai giảng khóa học, ông Lê Quốc Trung cho biết: "Phân biệt đối xử với phụ nữ, người khuyết tật và người LGBTI là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các cơ hội và sự tham gia bình đẳng của họ trong xã hội.

Trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho người dân, các cơ quan thông tấn, báo chí và nhà báo có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội khỏi sự phân biệt đối xử.

Báo chí và các phương tiện truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm, xoá bỏ định kiến về các nhóm người trong xã hội.

fbec6287-8d99-408c-8780-10f109b3dc49.jpeg
Ông Lê Quốc Trung, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn cao cấp của Trung tâm Bồi Dưỡng nghiệp vụ báo chí phát biểu khai mạc.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh Báo chí và phương tiện truyền thông cũng góp phần quan trọng tạo nên những tiến triển tích cực trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Đặc biệt Công ước quốc tế và các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD). Hai hiệp ước này khẳng định một nguyên tắc then chốt là "Tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và phẩm giá". Không khoan nhượng đối với sự phân biệt đối xử trên bất kỳ cơ sở nào, bao gồm cả giới tính, khuyết tật hoặc địa vị xã hội."

Minh Anh