Chính trị

Miền ký ức thiêng liêng của “cô bé Trung Quốc” được chụp ảnh cùng Bác Hồ

18/05/20 - 07:29

Bà Vương Phong, con gái của Trưởng Phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội từ năm 1955-1960, xúc động chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ khi được Bác Hồ ân cần hỏi thăm và chụp ảnh cùng.

Ấn tượng sâu đậm của cô bé Trung Quốc được chụp ảnh chung với Bác ảnh 1
Vương Phong được vinh dự chụp ảnh cùng Bác Hồ năm 1957. (Ảnh: NVCC)

Cách đây 65 năm, báo Tiền Phong số 190, ra từ ngày 1-4/6/1957, đã in trang trọng trên trang nhất bức ảnh của tác giả Mai Nam chụp Bác Hồ kính yêu cùng một bé gái khoảng 5 tuổi, mặc chiếc váy màu trắng có đôi mắt to, đen láy đang cầm cành hoa hồng, với dòng chú thích ảnh “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh,” để minh họa cho bài viết “Một bức thư của các bạn nhỏ ở Moskva nhân ngày 1/6.”

Nhân vật đặc biệt đã vinh dự được chụp ảnh với Bác Hồ chính là cô bé Vương Tiểu Hồng (sau đổi tên thành Vương Phong), con gái của cố nhà báo Vương Duy Chân, nguyên Trưởng Phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội từ năm 1955-1960.

Bức ảnh được chụp ngày 20/5/1957, khi Tiểu Hồng theo cha mẹ đến sân bay Gia Lâm nhân sự kiện nguyên soái Liên Xô Kliment Yefremovich Voroshilov đến thăm Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với bà Vương Phong về hoàn cảnh ra đời của bức ảnh, cũng như những tình cảm đặc biệt vô bờ bến của bà đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nói riêng và với đất nước, nhân dân Việt Nam nói chung.

Gặp chúng tôi, cô bé Tiểu Hồng ngày nào nay đã là bà Vương Phong 70 tuổi, nhưng trong ánh mắt vẫn ánh lên niềm vui và sự hào hứng khi gặp nhóm nhà báo TTXVN thường trú tại Trung Quốc và được ôn lại kỷ niệm về cuộc gặp Bác Hồ cũng như một số lần bà quay trở lại thăm Việt Nam.

Khi được hỏi về bức ảnh chụp cùng Bác Hồ, bà Vương Phong hào hứng kể: “Tôi từ nhỏ ở trong nước đã được nghe người lớn kể các câu chuyện và học hát nhiều bài hát, hầu hết là những bài hát về chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, nên tôi rất khâm phục các anh hùng hào kiệt đã hy sinh, đổ máu để giải phóng Tổ quốc.

Tôi đến Hà Nội từ năm 5 tuổi, sống với bố mẹ làm việc ở Phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội. Hàng ngày tôi được nghe đủ loại thông tin. Tôi được biết Việt Nam cũng đã từng phải chịu ách xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, nô dịch, thiếu thốn... và cũng có một số anh hùng hào kiệt đáng ngợi ca, gây nhiều xúc động.

Vì sự căm thù quân xâm lược và sự kính trọng những người anh hùng đã bén rễ trong lòng, nên tôi rất mong được gặp tận mắt những người anh hùng Việt Nam sau khi được nghe những câu chuyện do cha tôi và các phóng viên văn phòng Phân xã Tân Hoa xã thực hiện phỏng vấn về họ.

Đặc biệt, tôi được biết cha tôi đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh thắng quân xâm lược, mở ra thời kỳ độc lập và giải phóng dân tộc, đồng thời tôi biết được rằng để có được ngày hôm nay (thời kỳ bắt đầu độc lập - PV), Bác Hồ đã dốc hết tâm sức cho công cuộc đấu tranh gian khổ. Điều này đã làm trái tim bé bỏng của tôi cảm động.

Tôi lập tức đề nghị với cha rằng tôi muốn được gặp Bác Hồ và bày tỏ tình cảm tôn kính đối với Người.”

Trong ánh mắt của bà Vương Phong khi kể chuyện luôn ánh lên niềm vui và tình cảm mỗi khi nói về Bác Hồ và đất nước Việt Nam.

Câu chuyện về kỷ niệm được gặp và chụp ảnh cùng Bác Hồ cứ thế được bà Vương Phong say sưa kể lại đầy hào hứng và tự nhiên: “Khi bố mẹ tôi nói với tôi rằng Nguyên soái Liên Xô Kliment Yefremovich Voroshilov đến thăm Việt Nam, có thể Bác Hồ sẽ ra sân bay đón và cho tôi đi cùng họ đến sân bay Gia Lâm, tôi đã hết sức vui mừng và ngay lập tức mặc bộ váy yêu thích màu trắng, chạy đến bồn hoa nhỏ trước cửa Phân xã Tân Hoa xã ngắt một cành hoa hồng đỏ, háo hức lên đường cùng cha mẹ.

Cha tôi bận phỏng vấn và tôi đi cùng ông La Quý Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, và phu nhân của ông, bà Lý Hàm Trân. Tôi cầm cành hoa hồng và đứng ở vị trí trên cùng trong hàng ngũ chào mừng.

Tôi đến sân bay sớm, xung quanh là rất nhiều quân nhân và các nhà ngoại giao của nhiều nước. Tôi nhìn quanh và tự hỏi không biết Bác Hồ sẽ xuất hiện ở đâu.

Đúng lúc này, tôi nghe thấy tiếng ai đó reo mừng ‘Bác Hồ đến rồi!’ ‘Hồ Chủ tịch đến rồi!’ Tôi nhìn theo ánh mắt của người lớn thì chỉ thấy từ xa một ông già râu tóc bạc phơ bước tới, vừa đi vừa vẫy tay chào đám đông đang chào đón.

A, đúng là Bác Hồ đến thật rồi. Tôi vẫy cành hoa hồng trên tay, vừa gọi vừa nhảy. Rất nhanh ngay sau đó, Bác Hồ đã đến gặp chúng tôi và trò chuyện thân mật với Đại sứ La Quý Ba.

Sau đó, Bác Hồ phát hiện thấy tôi và kéo tôi ra khỏi hàng người chào đón. Bác hiền từ, nhẹ nhàng và nói chuyện với tôi một cách thân mật như một người ông nói chuyện với cháu.

Khi tôi nói với Bác ba câu tiếng Việt duy nhất mà tôi biết: ‘Bạn ăn cơm chưa? Tôi ăn cơm rồi. Chào đồng chí!’ Bác đã cười lớn.

Một vị anh hùng vĩ đại, một vĩ nhân như vậy, lại rất bình dị như vậy! Khoảnh khắc đẹp như vậy đến giờ tôi vẫn luôn nhớ mãi.”

Theo lời kể của Vương Phong, khi bà đến tuổi đi học, Hồ Chủ tịch chuẩn bị sang thăm Trung Quốc và Đại sứ La Quý Ba đi tháp tùng, cha của Vương Phong liền nhờ Đại sứ La Quý Ba đưa bà trở về Bắc Kinh.

Những năm sau đó, công việc của cha Vương Phong có sự thay đổi. Dù xa cách Việt Nam hàng nghìn kilômét, nhưng chỉ cần mở album ảnh ở nhà, nhìn thấy tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ và những bức ảnh cũ khi cha làm việc ở Việt Nam, cả nhà Vương Phong lại cùng nhau nhớ về quá khứ, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa.

Bà Vương Phong cho biết sau khi Bác Hồ qua đời, bà đã đến Việt Nam 4 lần. Lần đầu tiên là vào năm 2000, khi bà tham gia sự kiện “Du lịch xuyên thiên niên kỷ mới” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ấn tượng sâu đậm của cô bé Trung Quốc được chụp ảnh chung với Bác ảnh 2
Bà Vương Phong trong trong một lần quay trở lại thăm Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Trong thời gian này, bà cũng đến thăm Đà Nẵng và khi ở Đà Nẵng, bà đã đến thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng thành kính.

Lần thứ hai là vào năm 2002, khi bà được mời tham gia một đoàn báo chí và truyền thông Trung Quốc sang thăm Việt Nam.

Lần thứ ba là vào năm 2008, khi bà tham gia một cuộc thi thơ do Hội thơ người Hoa ở Đông Nam Á tổ chức, xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Mũi Né đến Nha Trang, rồi quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong ba chuyến đi đến Việt Nam, bà đã viết một số bài ký và thơ, được đăng trên các tờ báo và tạp chí bằng tiếng Hoa ở hơn một chục quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ Latinh.

Lần thứ tư là vào năm 2018, khi bà và các đối tác đưa một số dự án vào Việt Nam, bắt đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh, qua Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hội An ra Hà Nội để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Lần này, bà cùng bạn bè và đối tác đã đến thăm Nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội.

Kể đến đây, bà nói với ánh mắt bà ngân ngấn lệ: “Lòng chúng tôi tràn ngập cảm xúc khi nhìn thấy cảnh đời thường giản dị của Bác. Lần đó, cuối cùng thì tôi cũng thực hiện được nguyện vọng được gặp Bác Hồ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đang nằm lặng lẽ dưới ánh đèn, thật yên bình và như vẫn đang còn sống. Tôi lau đi những giọt nước mắt đang trào ra và cúi đầu lạy Người chín lần."

Khi được hỏi về việc có muốn quay lại Việt Nam hay không, Vương Phong cho biết bà dự định sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc sẽ sang Việt Nam thăm viếng Bác Hồ lần nữa, đồng thời mang thêm nhiều dự án hợp tác và gặp gỡ nhiều bạn bè Việt Nam hơn.

Bày bày tỏ mong muốn Việt Nam - quê hương thứ hai của mình - sẽ tiếp tục lớn mạnh và phát triển.

Vương Phong cũng bày tỏ lòng kính yêu vô bờ bến của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi sẽ luôn nhớ Bác Hồ, kính yêu Người và nỗ lực hết mình vì tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung-Việt cũng như quan hệ hợp tác và sự phát triển của hai nước.”

Nói đến đây, bà nở nụ cười rất tươi và cất tiếng hát bằng tiếng Trung Quốc bài hát “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của nhạc sỹ Trần Kiết Tường, bài hát đã được Vương Phong cùng một số người bạn Trung-Việt của bà dịch sang tiếng Hoa.

Từng câu hát, cử chỉ của bà đều thể hiện niềm vui, sự xúc động dạt dào, thể hiện lòng tôn kính, tình cảm dạt dào của bà đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu!.