Năm 2023 các Bộ, ngành, địa phương tiết kiệm kinh phí, vốn 83 nghìn tỷ đồng
Trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng.
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, chiều 20/5, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023.
Tinh giản biên chế hơn 7 nghìn người
Trình bày Báo cáo về công tác THTK, CLP năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các bộ, ngành đã giảm 17 Tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 Cục và 144 Vụ/Ban thuộc Tổng cục và thuộc Bộ; giảm 108 phòng trong Vụ/Ban thuộc Bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) thuộc Bộ, ngành.
Các địa phương giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị SNCL, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị SNCL (năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn 46.385 đơn vị SNCL.
Đáng chú ý, về tinh giản biên chế, năm 2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.1 người.
Năm 2023, các Bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 30 văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528 thủ tục hành chính (TTHC)/1.086 TTHC (đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.600 quy định kinh doanh).
Trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng.
“Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong đấu thầu
Thẩm tra sơ bộ Kết quả THTK, CLP năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý các vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ.
“Hướng dẫn xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong từng ngành, lĩnh vực”, ông Mạnh nói.
Đáng chú ý, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH của Quốc hội chưa đạt mục tiêu, yêu cầu, làm lãng phí nguồn lực. Cụ thể, đến 31/01/20, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình mới đạt 77.390 tỷ đồng/130.500 tỷ đồng, bằng khoảng 59% kế hoạch vốn; 107/272 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, một số dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Từ đây, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư.
Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; phê duyệt phương án kinh doanh, liên kết kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí, thất thoát và nguy cơ tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tài sản công, lao động, …; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương.