Nâng tầm nhãn hiệu Việt Nam
Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại các thị trường xuất khẩu, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động.
Ví dụ như: Đàm phán, gia nhập các hiệp định thương mại tự do tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài; xây dựng chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ; thiết lập các kênh tư vấn trong nước nhằm cung cấp cho doanh nghiệp thông tin đầy đủ và hiệu quả,...
Trong tháng 5/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã ký “Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025” với nhiều hoạt động đa dạng.
Nếu tính đến tháng 2/20, đã có 137 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 1 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam cũng có 44 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại nước ngoài, trong đó có 39 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU), 2 tại Nhật Bản, 2 tại Thái Lan và 1 tại Nga.
Xu hướng chung của thị trường hiện nay luôn yêu cầu các sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ.
Nếu các doanh nghiệp không chú trọng bảo vệ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm tại các thị trường nước ngoài thông qua việc bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, sẽ dẫn đến tình trạng giá và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp, người tiêu dùng ít biết đến hàng hóa Việt Nam, và gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường. Hơn nữa, điều này còn tiềm ẩn nguy cơ mất thương hiệu, giả mạo, và tranh chấp phức tạp.
Hiện nay, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là hoa, quả (chiếm 35%), thủy sản 14%, dược liệu 10%, sản phẩm từ cây công nghiệp 10%, gạo 9%... Đối với nhãn hiệu công nghiệp và nhãn hiệu tập thể, mặc dù đã có hơn 2.000 văn bằng bảo hộ tại Việt Nam nhưng số lượng đơn nhãn hiệu được nộp tại nước ngoài còn khá khiêm tốn và chủ đơn đa phần là các doanh nghiệp lớn.
Gần đây, vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận đã được Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Qua sự thành công của vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục lựa chọn thêm một số sản phẩm xuất khẩu tiềm năng như nhãn lồng Hưng Yên, xoài Đồng Tháp, sữa bò Ba Vì, nước mắm Phú Quốc, tinh dầu tràm Huế, và gốm Bình Định để hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.