Đại biểu Quốc hội: Chống tham nhũng từ những việc nhỏ hàng ngày
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 20.
Bệnh viện có thể thu tỷ/năm từ những khoản thu không hóa đơn, biên lai
Cho ý kiến, đại biểu Phạm Văn Thịnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bằng những biện pháp cụ thể như định danh tài khoản cá nhân; tăng cường giao dịch không sử dụng tiền mặt.
Về đề xuất với Chính phủ, đại biểu Thịnh đề nghị phát động người dân phát hiện các rủi ro, tiêu cực, các việc làm đang vi phạm pháp luật hàng ngày nhưng vẫn diễn ra. Tránh việc “hàng ngày đang làm sai mà không biết mình vi phạm”.
“Ví dụ cấm mua hóa đơn khống nhưng các cơ quan lại thường xuyên đi mua. Nếu rà soát trên phạm vi cả nước thì vi phạm rất lớn. Như xe Toyota Corolla Altis chúng ta khoán và quyết toán 14 lít/100km nhưng thực chất không bao giờ đi hết mức đó. Điều đó khiến một bộ phận phải đi mua hoá đơn xăng, dầu.
Sau khi Thủ tướng yêu cầu phải xuất hoá đơn điện tử khi mua xăng, tôi ra tận cây xăng và yêu cầu xuất hoá đơn mới phát hiện mục người mua và biển số xe để trống. Như vậy có thể xảy ra việc chuyển hóa đơn cho người không sử dụng và tiếp tay cho việc trốn thuế. Làm như thế chúng ta chỉ quản lý được sản lượng”, đại biểu Thịnh nói.
Đáng chú ý, đại biểu đề cập đến tình trạng, dù có các quy định về “cấm thu của nhân dân tràn lan và yêu cầu các khoản thu phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trở lên thông qua”, tuy nhiên “nhiều khoản thu vẫn không có hoá đơn, biên lai”.
“Ví dụ chúng ta đến bệnh viện, người dân khám 1 lần mất 10 nghìn cho việc in 4 trang giấy khám bệnh. Còn sổ ngoại trú bệnh viện thu 30 nghìn nhưng hoàn toàn không có biên lai, chứng từ. Với 1 bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, ước tính 1 ngày khám cho 800 người. Chỉ tính riêng việc mua giấy khám bệnh thì thu về 8 triệu một ngày và tỷ một năm. Số tiền lớn như vậy hoàn toàn có thể xử lý khởi tố, bắt tạm giam nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực nên bắt đầu từ những việc nhỏ hàng ngày để đề phòng rủi ro, tránh hành vi tiêu cực”, đại biểu đề xuất.
Khắc phục tình trạng người thực thi công vụ sợ trách nhiệm
Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, Chính phủ cần có đánh giá, thống kê sâu hơn về thực trạng tại các báo cáo nêu, “một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt kịp thời, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai”.
Theo báo cáo Chính phủ, năm 2023 đã xử lý kỷ luật hơn 17.800 trường hợp cán bộ vi phạm. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đánh giá, bóc tách các nhóm vi phạm, nhất là nhóm liên quan tới vi phạm Luật Cán bộ công chức, về đạo đức công vụ, cụ thể là trốn tránh trách nhiệm, thoái thách nhiệm vụ, tự ý bỏ công việc.
“Phải đánh giá để có định lượng, thay vì nêu chung chung và định tính và cảm tính tinh thần thái độ sẽ rất khó. Từ đó mới có thể đưa ra giải pháp, xử lý nghiêm theo Luật Cán bộ công chức góp phần tạo chuyển biến. Cần phải xem đơn vị nào xảy ra tình trạng như vậy. Trường hợp đơn vị nào có cán bộ công chức vi phạm phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó. Chính phủ cần báo cáo cụ thể hàng năm về vấn đề này” đại biểu Ba nói.
Về lâu dài, đại biểu đề nghị có sự “đầu tư thỏa đáng” từ việc cải cách tiền lương để giải quyết các bất cập. Vừa qua, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã nỗ lực xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm, “đúng người đúng việc, rõ quy trình, song cần đảm bảo chất lượng và sự phù hợp vị trí việc làm để tạo động lực, đảm bảo chất lượng hoạt động bộ máy nhà nước”.