Thủ tướng: Quy hoạch mở ra tầm nhìn và không gian phát triển mới cho Ninh Bình
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Ninh Bình trong bức tranh chung của các tỉnh, thành trong khu vực và trên cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Sáng nay (28/5), tại tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều kết quả quan trọng
Tỉnh Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh. Những năm qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Từ năm 2022, tỉnh Ninh Bình đã tự chủ về ngân sách (năm 2023 xếp 26/63 tỉnh, thành phố, ước đạt 16.144 tỷ đồng).
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/20 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình bảo đảm thống nhất, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch Ninh Bình lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột, các hành lang phát triển.
Phát biểu tại Hôi nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội mới, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.
Nhấn mạnh 5 điểm về vị trí, vai trò của công tác quy hoạch, 3 nội dung quan trọng cần bám sát trong công tác quy hoạch, 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch và 5 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện của công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Ninh Bình là điểm giao kết giữa 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, miền núi Tây Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ.
Tỉnh có nhiều giá trị văn hóa-lịch sử-sinh thái tự nhiên độc đáo, đặc sắc riêng có, là một trong 8 tỉnh, thành phố có Di sản Thế giới và là địa phương duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sở hữu di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên - Quần thể danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương; 1 trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ôtô lớn, hiện đại của đất nước; 1 trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Việt Nam, phát triển mạnh mẽ du lịch và có nghề thủ công truyền thống đa dạng, là quê hương của nhiều danh nhân đất Việt tiêu biểu.
Thủ tướng nhìn nhận những năm qua, tỉnh Ninh Bình có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Điển hình, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,27%, đứng thứ 8 trong Vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 22 toàn quốc; quý 1/20 tiếp tục tăng ở mức 8,02%.
Từ năm 2022 tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách, xuất khẩu xếp 23/63. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp thực sự đã trở thành động lực trong tăng trưởng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh.
Hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là hạ tầng giao thông. Ninh Bình có 100% xã và 100% huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Ninh Bình liên tục đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại mở rộng...
Thủ tướng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong suốt chặng đường phát triển, đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước. Đồng thời, ông cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức về quy mô kinh tế, tốc độ đô thị hóa, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ triển khai một số dự án…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Ninh Bình trong bức tranh chung của các tỉnh, thành trong khu vực và trên cả nước.
Quy hoạch tỉnh đã lựa chọn mô hình phát triển “xanh” dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột, 3 hành lang phát triển. Trong số đó 4 ngành kinh tế trụ cột là du lịch, công nghiệp văn hóa; công nghiệp cơ khí ôtô; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm làm trụ đỡ. Đồng thời phát triển trên 3 hành lang: Bắc-Nam, Đông-Tây và hành lang ven biển.
“Đây là lựa chọn hết sức đúng đắn, mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới,” Thủ tướng chỉ rõ.
Tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 quyết tâm, 3 động lực"
Để thực hiện tốt Quy hoạch, đưa Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Ninh Bình chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 quyết tâm, 3 động lực".
Cụ thể, Ninh Bình phải tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện quy hoạch; quyết tâm đầu tư phát triển yếu tố con người; trở thành nơi kết nối của 3 vùng. Cùng với đó, thực hiện 3 động lực: phát triển hạ tầng chiến lược, tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế; phát triển công nghiệp dịch vụ, kinh tế di sản, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý tỉnh thực hiện 5 “bảo đảm” trong triển khai quy hoạch gồm tính tuân thủ, tính đồng bộ, tính liên kết, tính ổn định, kế thừa, phát triển và tính linh hoạt, mở rộng của quy hoạch.
“Cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là tư duy, tính năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Bình,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch của Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch; phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong và bên ngoài; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kêu gọi đầu tư vào hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình phổ biến quy hoạch sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết-Dân bàn-Dân làm-Dân kiểm tra - Dân giám sát-Dân thụ hưởng".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành ở Trung ương tiếp tục phối hợp với tỉnh triển khai Quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng triển khai đồng bộ các Quy hoạch tỉnh gắn với đẩy mạnh liên kết vùng; cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố, không triển khai một cách manh mún, cạnh tranh.
Chỉ rõ các nhiệm vụ, dự án cụ thể phát triển tỉnh Ninh Bình và cả khu vực, Thủ tướng Chính phủ quán triệt yêu cầu phát triển với “hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, cơ chế thông thoáng” để phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần “ba cùng”: “cùng lắng nghe, thấu hiểu,” “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động,” “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển;” xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; theo đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tham gia vào công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, trên tinh thần “đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải ra sản phẩm, có kết quả thực chất, cân-đong-đo-đếm và lượng hóa được.”
Thủ tướng tin tưởng với truyền thống lịch sử-văn hóa, ý chí, khát vọng và lòng tự hào vùng đất Cố đô; với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, ủng hộ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân; tỉnh Ninh Bình sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy mới, động lực mới theo Quy hoạch tỉnh đã công bố; Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo trên thế giới.