Chính trị

Tòa án chuyên biệt giải quyết các vụ án đặc thù và không phát sinh thêm biên chế

Mai Thoa 28/05/20 14:44

Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Dương Văn Thăng (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đã đưa ra ý kiến về vấn đề thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt tại phiên Quốc hội thảo luận sáng nay (28/5).

Tòa chuyên biệt giải quyết các vụ án đặc thù

Theo đại biểu Dương Văn Thăng, việc thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt trong các lĩnh vực đặc thù là hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, cũng như xu hướng chung của thế giới.

2005280918349551_z5483118284060_7e705c268de57a1c09fa61e933d5b10f.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Thăng (Đoàn TP. Hồ Chí Minh).

Bởi lẽ, đây là chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đề cập đến tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đều đặt ra yêu cầu: Cần phải xây dựng các Tòa án chuyên nghiệp.

Tại Nghị quyết 755 ngày 27/3/2023 của UBTVQH đã xác định cần: “Bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp… để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù như phá sản, sở hữu trí tuệ, tư pháp đối với người chưa thành niên…”.

Như vậy, Đảng, Quốc hội đã đề cập về chủ trương, định hướng thành lập các Tòa án chuyên biệt để giải quyết các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù, đại biểu nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo đại biểu Dương Văn Thăng, yêu cầu của thực tiễn công tác giải quyết các loại án đặc thù. Như đối với các vụ án hành chính: Đây là loại vụ án rất phức tạp, luôn có xu hướng tăng, và xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Do hiện nay mô hình tổ chức Tòa án còn gắn với địa giới hành chính, nên nếu giao cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết các khiếu kiện quyết định, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND từ cấp tỉnh trở lên thì sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan.

Hay đối với các vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản, đại biểu Dương Văn Thăng cho hay, đây là loại vụ việc tuy có số lượng không nhiều so với các loại vụ việc khác nhưng là loại việc khó, phức tạp và ngày càng tăng theo tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Đây là loại án và vụ việc này đòi hỏi phải có nhân lực chuyên trách, không chỉ chuyên sâu về pháp luật mà cần được đào tạo, hiểu biết về các vấn đề chuyên môn của lĩnh vực sở hữu trí tuệ, kinh tế, tài chính...

Đối với vụ việc phá sản, Tòa án phải giải quyết rất nhiều các mối quan hệ của doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản gồm: quan hệ hành chính, lao động, dân sự, kinh tế, sở hữu trí tuệ... Việc giải quyết này đòi hỏi phải được tổ chức chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cả về bộ máy và con người. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức và bố trí Thẩm phán như hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết những loại vụ việc vừa nói trên.

cd0161756a5dca03934c-1-.jpg
Toàn cảnh phiên Quốc hội thảo luận sáng ngày 28/5.

Không phát sinh thêm biên chế

Từ thực tiễn trên, đại biểu Dương Văn Thăng cho rằng, việc thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt là cần thiết, để tập hợp, tăng cường đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, chuyên gia có trình độ chuyên sâu về các lĩnh vực khó, phức tạp, để đảm bảo giải quyết đúng, hiệu quả và thực sự chuyên nghiệp.

Qua báo cáo và nghiên cứu cho thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có Tòa án chuyên biệt trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt với lĩnh vực hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ là bắt buộc.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, hoạt động của các Tòa án chuyên biệt mang lại hiệu quả lớn, đó là: Cải thiện chất lượng xét xử; rút ngắn thời gian giải quyết; phán quyết của Tòa án trở thành chuẩn mực bảo hộ các quyền lợi chính đáng về sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, tạo cơ sở xử lý cho các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc tương tự khi cấp, thu hồi, hủy bỏ bằng sáng chế. Khích lệ sáng tạo, phát minh, cải tiến kỹ thuật và đăng ký bản quyền của các tổ chức, cá nhân.

Ngoài những ưu điểm nêu trên, việc thành lập các Tòa án chuyên biệt cũng không làm tăng thêm biên chế. Vì theo báo cáo của TANDTC, dự kiến số lượng Tòa án chuyên biệt được thành lập rất hạn chế: 01 Tòa sở hữu trí tuệ, 03 đến 04 Tòa về hành chính, 01 đến 02 Tòa về phá sản là phù hợp. Đây là số lượng đơn vị thành lập mới không nhiều và đảm bảo tính tập trung, chuyên biệt. Thẩm phán tại các Tòa chuyên biệt sẽ được điều động từ các Tòa án khác trong hệ thống; và căn cứ tình hình sẽ tiếp tục bổ sung theo yêu cầu.

Hơn nữa, việc thành lập Tòa chuyên biệt sẽ thu hút được các chuyên gia, những người có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực này, vốn đã không nhiều ở nước ta, đại biểu Dương Văn Thăng nêu ý kiến.

Mai Thoa