Như Thanh (Thanh Hóa): Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến gỗ duy trì phát triển
Quyết tâm đầu tư máy móc nhà xưởng nhằm “giải bài toán” đầu ra cho lâm sản tại địa phương, tới nay những chủ doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ tại Như Thanh (Thanh Hóa) đang rơi vào tình cảnh khó khăn, cần được chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ để họ có thể tiếp tục sản xuất, duy trì sinh kế cho người dân.
Như Thanh là một trong 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, địa hình chủ yếu là đồi núi, thuận lợi cho phát triển rừng trồng gỗ lớn. Thời gian qua, cuộc sống của người dân một số xã nghèo được cải thiện, phần lớn là do phát triển diện tích trồng cây gỗ keo, tuy nhiên do thành phẩm và đầu ra cho gỗ còn hạn chế nên thu nhập của người dân rất bấp bênh.
Cho tới năm 2020, Như Thanh vẫn chưa có nhiều cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ gỗ như quãng đường vận chuyển gỗ đi tiêu thụ xa, ít đơn vị thu mua nên người dân bị ép giá, sau khi bán phải rất lâu sau người dân mới lấy được tiền.
Nhận thấy điều đó, một số người dân địa phương đã quyết tâm “giải bài toán” này, vừa giúp đỡ người dân ổn định đầu ra cho sản phẩm gỗ, vừa làm giàu trên chính quê hương mình. Vào năm 2021, một loạt cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp thu mua, chế biến gỗ ra đời. Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, người dân đã dồn tiền, sẵn sàng thế chấp cả nhà cửa để xây dựng xưởng ngay trên khu đất của gia đình, số tiền đầu tư vào trang thiết bị máy móc lên tới hàng tỷ đồng.
Vài năm gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thu mua, chế biến gỗ đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, đóng góp tích cực vào kinh tế chung và cũng rất phù hợp với định hướng phát triển lâm nghiệp – lợi thế của huyện miền núi Như Thanh. Khi công việc đang theo đà phát triển tích cực thì người dân bỗng nhận được yêu cầu dừng hoạt động từ UBND huyện Như Thanh.
Theo đó, UBND huyện Như Thanh cho biết, thực hiện Công văn số 5022-CV/VPTU ngày 10/5/20 của Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh, Báo cáo của Sở NN&PTNT tổng hợp tiến độ kết quả kiểm tra, xử lý cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Công văn của Huyện ủy Như Thanh về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn huyện và Thông báo Kết luận số 175/TB-UBND ngày 16/5/20 của Chủ tịch UBND huyện - Chủ trì hội nghị xử lý giải quyết tình trạng vi phạm của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn huyện, để xử lý dứt điểm các cơ sở chế biến keo tự phát trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh đề nghị các đơn vị Điện lực khu vực Như Thanh - Như Xuân, Điện lực Nông Cống, Điện lực Triệu Sơn, Công ty cổ phần xây lắp điện Thanh Hóa tạm dừng cung ứng điện cho các cơ sở sử dụng đất không đúng mục đích, các cơ sở vi phạm môi trường, phòng cháy, chữa cháy, không chấp hành pháp luật và quyết định xử phạt hành chính.
Cũng theo UBND huyện Như Thanh, trong quá trình cung ứng điện phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức... đề nghị phải phối hợp với UBND cấp xã, phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường để khảo sát, kiểm tra các điều kiện phục vụ nhu cầu cấp điện của khách hàng, nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật.
Chỉ đạo từ chính quyền đã có, người dân, các hộ kinh doanh không thể bất tuân. Nhưng điều các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trăn trở là họ đã có Giấy phép kinh doanh, tại sao vẫn bị coi là cơ sở “tự phát”? Họ thừa nhận trong quá trình kinh doanh khó lòng tránh được thiếu sót vì hiểu biết pháp luật chưa cao. Nhưng lỗi còn tồn tại chỉ là vấn đề chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa hoàn thiện phòng cháy chữa cháy và ngay khi được xác định sai phạm, chủ cơ sở cũng nghiêm chỉnh chấp hành nộp phạt và khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh cảm thấy lo lắng khi phải ngừng hoạt động bởi dừng hoạt động đồng nghĩa hàng trăm công nhân lao động mất việc, hàng trăm gia đình lại rơi vào khó khăn, máy móc bỏ không trong khi đầu ra cho gỗ vẫn cần được giải quyết.
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã ra Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Vậy nên điều mà những chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở tại Như Thanh mong mỏi là được chính quyền quan tâm, hướng dẫn và tạo điều kiện để doanh nghiệp được khắc phục những hạn chế, tiếp tục sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, làm giàu cho quê hương.