Kinh tế

ĐBQH đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân

Duy Tuấn 29/05/20 - 10:58

Dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng những tháng đầu năm lại thặng dư ngân sách, đây là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa. Do đó, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 20; và nhiều nội dung quan trọng khác….

tcktxh.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Mức giảm trừ gia cảnh chưa phản ánh đúng thực tế cuộc sống

Đánh giá rất cao Chính phủ trong việc điều hành kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống.

Theo quy định, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh nhất đối với người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng là “quá lạc hậu, cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, mà không nên chờ đến hai năm nữa, nghĩa là đến năm 2026 mới được thông qua như đề xuất”.

Đại biểu phân tích, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc thực sự không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế.

thuybackan.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

“Mức giảm trừ này đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Theo số liệu thống kê, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%...

Nhiều cử tri chia sẻ, nếu như gia đình có con nhỏ, phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay không dưới 5 triệu đồng/tháng; nếu gia đình có con đi học, chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình… Vì vậy, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới được thông qua quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh thắt lưng, buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân”- đại biểu Thuỷ phân tích

Đáng chú ý, lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời. “Dự kiến từ ngày 1/7/20 sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương, sẽ gây âu lo cho người lao động, bởi lương tăng, thu nhập tính thuế sẽ tăng. Vì vậy, việc không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương”.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối tháng 10/20 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025, đúng như chỉ đạo của Chính phủ với phương châm “năm quyết tâm, năm đẩy mạnh và năm bảo đảm”.

tranthiquynh.jpeg
Đại biểu Trần Thị Quỳnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Theo đại biểu Trần Thị Quỳnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, “thời gian qua, dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng những tháng đầu năm lại thặng dư ngân sách, đây là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa, chính sách tài khóa chưa thực sự nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế”.

Do đó, Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Cần giải pháp giúp người dân có gần 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật

Theo đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

“ Tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh mới chỉ đạt 65 năm, như vậy người dân Việt nam có gần 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật. Tất cả điều này tạo áp lực lớn đối với hệ thống y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ chăm sóc y tế nhưng chưa có giải pháp hiệu quả ứng phó”- đại biểu Thu nói.

trankhanhthu.jpeg
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Về giải pháp, đại biểu đề nghị Chính phủ cải thiện hệ thống y tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế, đào tạo nhân lực y tế và phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân ở mọi lứa tuổi…

Bên cạnh đó, phải bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số; đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số. Ổn định tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ dân số.

ktxh.jpeg
Các thành viên của Chính phủ tham dự phiên họp.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sỹ y khoa, trên cơ sở hỗ trợ học phí với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước. Như vậy vừa đảm bảo nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đạt được nguyện vọng trở thành bác sỹ, đồng thời giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sỹ.

Duy Tuấn