Tư vấn pháp luật

Vụ bỏ quên trẻ trên xe đưa đón: Trách nhiệm thuộc về ai?

Đ. Việt 30/05/20 08:23

Một cháu bé 4 tuổi Trường Mầm non Hồng Nhung 2 tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình) bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong. Vụ việc đau lòng khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bất an, dư luận bức xúc.

Giáo viên lớp phát hiện vắng trẻ nhưng không báo cho gia đình

Theo thông tin chính thức từ Công an tỉnh Thái Bình: khoảng 18h00’, ngày 29/5, Công an TP tiếp nhận tin báo của anh T.Đ.A (2004), trú tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư về việc cháu T.G.H (sinh ngày 20/9/2019), là học sinh lớp 4 tuổi Trường Mầm non Hồng Nhung 2, địa chỉ tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.

tre-tu-vong-o-truong-mam-non-hong-nhung-thai-binh.jpg
Nhiều phụ huynh cảm thấy bất an trước sự việc đau lòng.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND TP, lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an thành phố phối hợp Viện kiểm sát nhân dân tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định.

Bước đầu xác định: Khoảng 6h20’ ngày 29/5, anh N.V.L (1965), trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình điều khiển xe ô tô 29 chỗ cùng 01 giáo viên Trường Mầm non Hồng Nhung 2 đón cháu H và 9 học sinh khác đi học.

Khi đến trường, anh L. mở cửa xe ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, điều khiển xe ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về. Khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H nhưng không thông báo cho gia đình.

Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, anh T.Đ.A - là cậu ruột của cháu đến đón và phát hiện sự việc cháu H bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.

Ngay trong ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự để điều tra làm rõ vụ án. Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng đã kịp thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình cháu H; đồng thời có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động đưa, đón, quản lý trẻ của các trường Mầm non trên địa bàn tỉnh.

Vụ việc đau lòng trên khiến dư luận xã hội bức xúc, nhiều phụ huynh cảm thấy bất an và lo lắng. Vậy trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ bị xem xét thế nào.

Có thể tạm đình chỉ hoạt động cơ sở mầm non để xem xét trách nhiệm

Trao đổi với PV, TS.LS Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, một cháu bé 4 tuổi không có khả năng tự mở cửa xe ô tô khách, rất ít có cơ hội tự mình thoát khỏi xe ô tô khi bị bỏ quên. Bởi vậy hành vi bỏ quên trẻ mầm non trên xe dẫn đến cháu bé tử vong là hành vi nguy hiểm cho xã hội, dù là nguyên nhân nào chăng nữa, do lỗi vô ý của ai dẫn đến cháu bé tử vong thì hành vi này có thể xử lý hình sự đối với những người có liên quan.

luat-su-dang-van-cuong.jpg
Luật sư Đặng Văn Cường

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Cường cho biết, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức hay thuê đơn vị dịch vụ và sẽ làm rõ quy trình đưa đón học sinh được quy định và tổ chức thực hiện như thế nào, trách nhiệm đón và trả học sinh trong ngày hôm đó thuộc về những cá nhân nào? Người lái xe và phụ xe, giáo viên quản lý lớp có trách nhiệm như thế nào đối với việc đưa đón học sinh này, thực tế những người này đã thực hiện nhiệm vụ như thế nào, vì sao lại bỏ quên chào bé trên xe ? Khi phát hiện cháu bé không đến lớp, giáo viên có biết hay không, có báo cho nhà trường và phụ huynh hay không? Người đưa đón các cháu trên xe ô tô có đếm khi các cháu lên, xuống xe và có bàn giao cho nhà trường hay không ?

“Đây là những vấn đề quan trọng để xác định nguyên nhân sự việc, xác định hậu quả sự việc đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp xác định hành vi có lỗi vô ý dẫn đến cháu bé tử vong thì người có lỗi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Trường hợp nhiều người cùng có lỗi dẫn đến cháu bé tử vong thì “tất cả” những người có lỗi dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong đều có thể bị xử lý về tội vô ý làm chết người hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp và có thể xử lý người quản lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài trách nhiệm hình sự thì những người vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với gia đình nạn nhân, thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc và bồi thường thiệt hại về chi phí mai táng, tiền tổn thất về tinh thần. Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, chuyên gia luật cho rằng, cơ quan điều tra cần thiết đình chỉ hoạt động của đơn vị vận chuyển và cơ sở giáo dục để điều tra làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhiều chuyên gia pháp lý có cùng quan điểm cho rằng, để giảm thiểu những vụ việc đau lòng trên, các cơ sở giáo dục cần phải có quy trình đưa đón học sinh khoa học hợp lý, phải tổ chức tập huấn cho những người tham gia đưa đón học sinh, lựa chọn những người đưa đón học sinh có trách nhiệm, có uy tín, có đạo đức và cần phải giám sát hoạt động này qua nhiều khâu, trách nhiệm của nhiều người để tránh những sai sót, bất cẩn có thể xảy ra.

Đ. Việt