Tư vấn pháp luật

Nỗi đau từ những vụ việc trẻ nhỏ bị "bỏ quên" và giải pháp ngăn chặn thảm kịch

Đức Sơn 30/05/20 13:08

Trường hợp cháu bé 5 tuổi bị “bỏ quên” trên xe đưa đón học sinh không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Trước đó, vụ việc bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón của Trường Gateway cũng từng khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.

Những vụ “bỏ quên” đầy đau thương

Đêm 29/5, dư luận bàng hoàng, xót xa trước thông tin cháu T.G.H. (5 tuổi, trú TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) tử vong khi bị bỏ quên trên chiếc xe ô tô 29 chỗ đưa đón học sinh của Trường Mầm non Hồng Nhung, có địa chỉ tại xã Phú Xuân, TP. Thái Bình.

Quá trình điều tra vụ án, Công an TP. Thái Bình đã ngay lập tức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự để điều tra, làm rõ cái chết của bé trai 5 tuổi ngay trong đêm 29/5.

thaibinh3(1).jpeg
Chiếc xe ô tô 29 chỗ nơi cháu H. bị "bỏ quên".

Đau thương thay, trường hợp cháu H. tử vong khi bị “bỏ quên” trên xe đưa đón học sinh không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Trước đó, vụ việc bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón của Trường Gateway cũng từng khiến dư luận bức xúc, xót thương.

Sáng 6/8/2019, gia đình đưa cháu L.H.L. (6 tuổi) ra xe ô tô 16 chỗ đưa đón cháu tới trường. Đến 16h45 cùng ngày, gia đình nhận được cuộc gọi điện thoại của giáo viên chủ nhiệm thông báo cháu L. đã tử vong.

Tại phiên tòa xét xử diễn ra sau đó không lâu, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bích Quy (người đưa đón học sinh) 21 tháng tù, Doãn Quý Phiến (tài xế lái ô tô đưa đón học sinh) 10 tháng tù, cùng về tội “Vô ý làm chết người”.

Bị cáo Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm của bé L.) bị tuyên phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đồng thời, bị cáo bị cấm đảm nhiệm nghề giáo viên một năm sau khi thi hành án xong.

bicao-gateway.jpeg
Các bị cáo vụ án cháu L. bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của Trường Gateway (Hà Nội) tại phiên tòa

Ngoài 2 vụ việc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là trẻ đã tử vong nói trên, phải nhắc thêm những trường hợp trẻ bị bỏ quên trên xe do sự tắc trách của người lớn. Tuy nhiên, may mắn hơn, các em đã thoát được cánh cửa tử. Đó là trường hợp cháu N.T.L. (học sinh mầm non Đồ Rê Mí, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bị bỏ quên trên xe suốt 7 giờ đồng hồ và một học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Archimedes thuộc quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội bị bỏ quên trên xe khoảng 10 phút.

Điểm chung của các vụ việc trên là các cháu bị bỏ quên còn rất nhỏ, chưa đủ nhận thức đảm bảo an toàn cho bản thân, và hơn hết cả là sự tắc trách của người lớn là đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường, tài xế… đã dẫn đến việc "bỏ quên" các cháu.

Làm thế nào để trẻ đến trường an toàn?

Liên quan đến vụ việc này, ngày 30/5, trao đổi với PV Báo Công lý, Thạc sĩ - Luật sư (ThS.LS) Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa cho biết, sự việc cháu T.G.H. bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của Trường Mầm non Hồng Nhung là một sự việc rất đáng tiếc. Do sự sai sót, tắc trách của người lớn, cháu bé đã mất đi mạng sống, để lại sự mất mát to lớn đối với gia đình và sự xót xa, bàng hoàng với dư luận.

ThS.LS Giáp nhận định, cháu bé 5 tuổi không thể có khả năng tự mở cửa xe ô tô, đồng nghĩa với việc cháu không có cơ hội thoát ra khi bị bỏ quên trên xe. Vì vậy, cơ quan chức năng có đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với những người có trách nhiệm liên quan khi đã bỏ quên cháu H.

Khi cơ quan điều tra thu thập đủ chứng cứ, tài liệu, làm rõ hành vi của mỗi cá nhân có liên quan thì lúc đó có thể thực hiện quy trình tố tụng để khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.

hoangtronggiap.jpeg
Thạc sĩ - Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa.

Nhìn nhận về công tác đưa đón học sinh hiện nay, ThS.LS Giáp cho rằng, đối với nhà trường cần phải ban hành quy định cụ thể trách nhiệm từng cá nhân, bộ phận và yêu cầu thực hiện nghiêm túc trách nhiệm theo mô tả công việc mỗi người trong công tác đưa, đón học sinh nói riêng và công tác quản lý, đào tạo học sinh tại nhà trường nói chung. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát lẫn nhau ở các khâu, bổ trợ nhau nhằm tránh bỏ sót, xảy ra các sự cố đáng tiếc như vụ việc vừa qua.

ThS. LS Giáp cho hay, việc học sinh đi học bằng xe dịch vụ đưa đón là nhu cầu thực tế đối với nhiều gia đình có bố mẹ bận công việc, không có điều kiện đưa đón con nhất là ở các đô thị lớn của Việt Nam.

“Vấn đề then chốt là công tác đưa đón của nhà trường phải chú trọng đến an toàn cho học sinh. Từ nhà trường đến nhân sự phụ trách, đến lái xe phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình đưa đón trẻ nhỏ từ nhà đến trường và ngược lại. Cần thiết tổ chức những buổi tập huấn về công tác quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ khi đưa, đón.

Việc lựa chọn người cũng rất quan trọng. Nhà trường, cơ sở giáo dục cần chọn những người có trách nhiệm, có uy tín, có đạo đức, đề cao việc bảo đảm an toàn cho trẻ để thực hiện nhiệm vụ đưa, đón trẻ tới trường”, Th.LS Giáp nêu ý kiến.

Đức Sơn