Chuyển động

Ukraine tìm kiếm vũ khí tầm xa để tấn công Nga

Quỳnh Trâm 30/05/20 - 17:07

Ngày 30/5, các ngoại trưởng NATO dự kiến ​​nhóm họp tại Praha, Séc trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi các đồng minh dỡ bỏ các hạn chế ngăn chặn Kiev sử dụng vũ khí phương Tây trên lãnh thổ Nga.

Cuộc họp kéo dài hai ngày bắt đầu vào thứ Năm (ngày 30/5) tại thủ đô của Séc nhằm tập trung vào nỗ lực đưa ra gói hỗ trợ cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7.

ukraine-1-.jpg
Quân nhân Ukraine giám sát một chiếc M142 HIMARS phóng tên lửa gần Bakhmut, tỉnh Donetsk, vào ngày 18/5/2023.(Ảnh: kyivindependent)

Vấn đề Ukraine đang thúc ép những người ủng hộ mình - chủ yếu là Mỹ - cho phép nước này sử dụng vũ khí tầm xa mà họ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga lại được quan tâm hơn cả.

Mỹ và Đức cho đến nay vẫn từ chối cho phép Kiev tấn công qua biên giới vì lo ngại điều đó có thể kéo họ đến gần xung đột trực tiếp với Moscow.

Trước cuộc họp của NATO, người đứng đầu liên minh Jens Stoltenberg liên tục nói rằng đã đến lúc các thành viên phải xem xét lại những giới hạn đó vì chúng cản trở khả năng tự vệ của Kiev.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 28/3, dường như đã thay đổi quan điểm khi ông nói Ukraine nên được phép “vô hiệu hóa” các căn cứ ở Nga được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn tỏ ra ít cam kết hơn khi nói rằng, Ukraine nên hành động theo luật pháp và dù sao thì Berlin cũng không cung cấp vũ khí để tấn công Nga.

Theo thông tin từ Ukraine hiện tại đã có Phần Lan, Canada, Ba Lan không cấm Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga bằng vũ khí của họ cung cấp.

Bên kia Đại Tây Dương, Nhà Trắng cho biết vẫn phản đối Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công vào lãnh thổ Nga, dù Ngoại trưởng Antony Blinken ám chỉ chiến lược này có thể thay đổi.

Trong khi đó, Moscow đã phản ứng mạnh mẽ với việc Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” nếu các nước phương Tây chấp thuận Ukraine sử dụng vũ khí của họ trên lãnh thổ Nga.

Khi các đồng minh NATO đang đối mặt với vấn đề đó, các Bộ trưởng ở Praha cũng đang cố gắng đưa ra một gói hỗ trợ khiến Ukraine hài lòng, vì hy vọng trở thành thành viên cuối cùng của nước này vẫn là một viễn cảnh xa vời.

Sau khi gây áp lực mạnh mẽ tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, Kiev đã nhận được câu trả lời một cách kiên quyết từ các nước NATO - dẫn đầu là Mỹ và Đức rằng, họ không nên mong đợi bất kỳ tiến triển cụ thể nào hướng tới việc gia nhập liên minh.

Thay vào đó, người đứng đầu NATO Stoltenberg muốn các thành viên liên minh đưa ra những cam kết rõ ràng trong nhiều năm về mức độ viện trợ mà họ sẽ cung cấp cho Ukraine trong tương lai.

Tháng trước, ông đã đưa ra con số mục tiêu tổng thể là 100 tỷ euro (108 tỷ USD) trong 5 năm, nhưng con số đó đã không đạt được sự đồng thuận giữa các đồng minh.

Quỳnh Trâm