Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia: Vạn sự khởi đầu nan
Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang, nhằm chuẩn hóa về cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng giáo dục. Những năm qua, diện mạo Trường THPT Tân Yên số 2 đã có nhiều thay đổi với các tiêu chí đạt chuẩn và nhận được sự đồng thuận, tin tưởng của phụ huynh học sinh.
Trường THPT Tân Yên số 2 đứng chân trên địa bàn tại thôn Kép Vàng, xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Những ngày đầu thành lập, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường vô cùng khó khăn, các phòng học được xây dựng bằng tre, nứa, lá, tường trát vách đất, bàn ghế chủ yếu là bàn ghế cũ và chất lượng không đảm bảo. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, mà trực tiếp là Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, cùng với sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường trong công tác tham mưu, đề xuất, nên điều kiện cơ sở vật chất nhà trường dần được cải thiện.
Năm học 2001-2002, nhà trường đã xây thêm một nhà lớp học hai tầng với 10 phòng, lúc này trường có phòng học, trong đó có 6 phòng học tạm. Đến năm học 2007-2008, nhà trường đã xây dựng một khu nhà ba tầng với phòng học và phòng chức năng để thay thế phòng học tạm và chuẩn bị các điều kiện để công nhận chuẩn lần thứ nhất. Trường có 28 phòng học trên tổng số 39 lớp, đủ phòng dạy học hai ca, nhưng các điều kiện về sân chơi, bãi tập, nhà đa chức năng đều chưa có và đều không đảm bảo để tổ chức các hoạt động giáo dục.
Năm 2017-2018, trường được đầu tư xây dựng 18 phòng học và nhà đa chức năng. Cơ sở vật cơ bản đáp ứng cho việc dạy và học của nhà trường, nhưng so với các tiêu chí của xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia thì còn thiếu rất nhiều.
Xác định việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng môi trường giáo dục đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững, xây dựng trường chuẩn quốc gia có điểm khởi đầu nhưng không có kết thúc, những năm gần đây, Trường THPT Tân Yên số 2 luôn kiên trì, ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển nhà trường. Từ một trường có điều kiện cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, chất lượng dạy và học chưa cao, đến nay, trường đã đổi khác rất nhiều: Khuôn viên gọn gàng, các công trình được bố trí khoa học, khang trang, sạch sẽ; cơ sở vật chất phục vụ dạy và học đầy đủ; chất lượng giáo dục được nâng lên, số học sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 của trường luôn đứng đầu trong huyện; chất lượng đầu vào được cải thiện, và luôn nhận được sự tin tưởng của phụ huynh học sinh vào chất lượng giáo dục của nhà trường.
Để có được thành công bước đầu trong việc xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia, nhà trường đã thực hiện tốt một số giải pháp như: Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là xây dựng môi trường giáo dục đạt chuẩn từ cơ sở vật chất đến chất lượng dạy và học, đồng thời đạt chuẩn về các mối quan hệ trong nhà trường, giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò, giữa trò với trò, cũng như các mối quan hệ giữa nhà trường với xã hội.
Nhà trường luôn xác định, việc xây dựng trường đạt chuẩn không phải chỉ một ngày, một tháng mà phải có thời gian, có kế hoạch, có lộ trình thực hiện, phải tính việc nào làm trước, việc nào làm sau; dự kiến nguồn lực để thực hiện, nhất là nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, được huy động từ đâu, trong thời gian bao lâu, và vào thời điểm nào. Sau đó, nhà trường tổ chức hội nghị để thống nhất quan điểm, chủ trương; đồng thời đưa ra các nội dung để cùng nhau trao đổi, đóng góp ý kiến bổ sung, xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh.
Song song, nhà trường cũng chủ động báo cáo với các cấp ủy đảng, chính quyền, mà trực tiếp với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang về lộ trình thực hiện các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Đồng thời, tuyên truyền trong phụ huynh và học sinh để có sự nhất trí đồng lòng, sự hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần đối với kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Nhà trường luôn xác định phải phát huy tối đa nội lực trong việc xây dựng trường chuẩn. Chẳng hạn, để tăng cường cơ sở vật chất, nhà trường sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích nguồn ngân sách hằng năm để tu sửa, mua sắm thêm những trang thiết bị cần thiết cho công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Cùng với đó, chú trọng khâu quản lý với phương châm “giữ tốt- dùng bền”; chú trọng các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như xây dựng và tăng sự gắn kết trong các mối quan hệ từ trong nhà trường đến ngoài xã hội.
Hướng đến mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 2 vào năm học 2025-2026, tiến tới xây dựng “Trường học tiên tiến”, nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp, trên tinh thần phát huy nội lực, tích cực tham mưu, đề xuất, làm tốt công tác xã hội hóa. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, thầy và trò nhà trường quyết tâm giữ vững, duy trì và nâng cao chất lượng dạy - học, đồng thời đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, nhằm đem đến các điều kiện dạy - học đạt chuẩn, từ đó tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Yên số 2