Bình Thuận tăng cường ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có Kế hoạch giám sát, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh; qua đó triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, Kế hoạch giám sát, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, với mục đích tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm đang sản xuất, kinh doanh và lưu thông trên thị trường trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu tác hại do thực phẩm không đảm bảo an toàn gây ra, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và cảnh báo đến người tiêu dùng.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung đánh giá nhóm thực phẩm có nguy cơ cao như: Thịt và sản phẩm thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, trứng và sản phẩm trứng, sữa và sản phẩm sữa, nước đá dùng liền, nước uống đóng chai đang sản xuất, kinh doanh và lưu thông trên thị trường; đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm được bày bán, kinh doanh, phục vụ ăn uống trong các khu du lịch, lễ hội, các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, các hàng, quán trước các khu công nghiệp, trường học và bệnh viện.
Phân tích, đánh giá các chỉ tiêu ô nhiễm thực phẩm theo các quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về an toàn thực phẩm hiện hành; Đề ra các giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm nhằm cảnh báo, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phạm vi thực hiện kế hoạch này sẽ diễn ra trên toàn tỉnh, tập trung vào các nhóm đối tượng là: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh; ưu tiên các sản phẩm nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, bày bán, kinh doanh, phục vụ trong các khu du lịch, lễ hội, các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, các hàng, quán trước các khu công nghiệp, trường học và bệnh viện…
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận còn nhấn mạnh, Kế hoạch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm sẽ được triển khai quyết liệt trong thời gian tới, nhằm thực hiện theo Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/20 về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, Công điện số 50/CĐ-TTg ngày /5/20 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Vĩnh Phúc và Công văn số 87/BYT-ATTP ngày 11/5/20 của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Trước đó không lâu, 52 người nghi bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu, sau khi ăn tối với hải sản tại một nhà hàng và nhậu trên bãi biển, thuộc TP. Phan Thiết. Ngay sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành xét nghiệm các mẫu thực phẩm mà đoàn khách du lịch này đã sử dụng tại nhà hàng Hồng Vinh; đồng thời, thăm khám toàn bộ 751 trong đoàn để xác định nguyên nhân.
Kết quả thử nghiệm của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bình Thuận cho thấy, không phát hiện nhóm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như: Escherichia coli hay Salmonella trong các mẫu lưu tại nhà hàng. Từ đó, cơ quan chức năng xác định số du khách bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy là do đi ăn hàng rong bán trên bãi biển, vì gần 700 du khách còn lại không ăn ở ngoài sức khỏe vẫn bình thường.