Ám ảnh đuối nước trẻ em mỗi khi hè sang
Cứ mỗi dịp hè sang, nỗi ám ảnh mang tên "đuối nước" lại khiến cho phụ huynh, nhà trường hết sức lo lắng, đau lòng. Thời điểm này, các em được nghỉ hè, bố mẹ vẫn phải đi làm không có người trông nom, đa phần gửi về quê với nhiều ao, hồ, biển luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 20 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá xảy ra 11 vụ tai nạn đuối nước, làm 11 người chết, 2 người bị thương (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Đa phần các vụ đuối nước có nạn nhân là trẻ em.
Thực trạng nêu trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ dịp hè, đòi hỏi các địa phương, ngành chức năng cần có những giải pháp để hạn chế, đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ.
Để giảm thiểu rủi ro tai nạn đuối nước, các bậc phụ huynh cần trang bị cho các em kỹ năng bơi lội, xử lý các tình huống khẩn cấp để tự cứu mình khi rơi xuống nước. Các em khi đi chơi cần có người lớn, đi với bạn để có thể truy hô khi sự cố xảy ra.
Các địa phương cần quy hoạch, tạo nhiều sân chơi an toàn, lành mạnh để thu hút các em học sinh, nhất là thời điểm nghỉ hè. Bố trí hoặc có cơ chế thu hút các nhà đầu tư xây dựng các bể bơi đảm bảo tiêu chuẩn để các em có nơi học bơi. Tại các nhà trường cũng cần xem xét đầu tư bể bơi, đưa môn bơi, kỹ năng thoát hiểm vào thành một bài học.
Gần đây nhất, vào hồi 14 giờ ngày 27/3, hơn 10 học sinh trường Trung học cơ sở Đông Hương được nghỉ học nên kéo ra hồ nước cách trường gần 1km chơi. Hai nam sinh lớp 7A lội xuống hồ tắm, bị sa chân vào hố sâu chới với. Nhóm bạn đứng trên bờ nhanh tay cứu được một em, còn N.H.H. (13 tuổi) không thể vào bờ và đã tử vong.
Cũng trong tháng 3/20, trên địa bàn xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 bé gái (cùng 12 tuổi, trú thôn 6, xã Thọ Tiến) tử vong. Theo đó, vào trưa /3, hai bé gái rủ nhau ra khu vực đầm rau muống gần nhà chơi. Trong khi chơi, cả hai bé không may trượt chân ngã xuống khu vực nước sâu. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, không thấy con về, các gia đình đi tìm thì phát hiện cả 2 cháu đã tử vong dưới đầm nước.
Dự báo tình hình tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông và đuối nước trẻ em trong thời gian tới có nguy cơ gia tăng. Để bảo đảm an toàn cho trẻ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Ngành đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ…) thường xuyên cảnh báo về các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; qua đó đề cao trách nhiệm của gia đình trong quản lý, giám sát trẻ em.
Các địa phương chủ động xây dựng và triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích, nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em…
Cùng với đó, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền đến tận hộ gia đình nhằm nâng cao ý thức phòng, chống tai nạn đuối nước. Tăng cường quản lý con em, tuyệt đối không được tắm dưới sông hồ khi không có sự giám sát, quản lý của người lớn.
Hướng dẫn kỹ năng biện pháp phòng tránh và cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước; phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương mở các lớp dạy bơi cho trẻ em, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để không bị đuối nước…
Để hạn chế thấp nhất những cái chết thương tâm do đuối nước, ngay lúc này, khi mà nắng nóng đầu mùa đã bắt đầu, ngoài những kiến thức và kỹ năng được trang bị tại nhà trường thì các bậc phụ huynh, nhà trường, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng, ý thức phòng chống đuối nước cho các em. Bên cạnh đó, cần dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, hạn chế tối đa nhất những cái chết thương tâm, đau lòng đến với con trẻ.
Ngoài ra, về phía gia đình, cha mẹ, người giám sát trẻ cần hướng dẫn và xác định những yếu tố nguy cơ đuối nước cho trẻ như những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ (giếng, ao hồ, sông suối...); xây dựng các rào chắn bằng tre, gỗ, đậy nắp an toàn ngăn trẻ tiếp cận các nguồn nước mở… Để bảo vệ trẻ khỏi tai nạn đuối nước, trẻ cần được giám sát bởi cha mẹ, người lớn.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND phường Hải Ninh (Thị xã Nghi Sơn), cho biết: Địa phương có bãi biển dài, nhiều nơi nước sâu, hố cát sụt nên tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao.
Chúng tôi đã phát đi thông báo cho người dân, các em học sinh được biết. Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ như: sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền hội viên, đoàn viên của mình trong giáo dục, nhắc nhở con em về ý thức phòng, chống đuối nước.
Các cơ quan thông tin đại chúng cần có các biện pháp thông tin, giáo dục về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân; đặc biệt, chú trọng đến địa bàn khó khăn, nơi có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao; gia đình và nhà trường cần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nâng cao ý thức rèn luyện kỹ năng cứu hộ đuối nước của người lớn.
Tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đoàn thanh niên các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức các lớp sinh hoạt hè, lớp dạy bơi thu hút các em học sinh tham gia.