Tin địa phương

Đổi mới tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy

N.T.D 05/06/20 - 10:38

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TƯ ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, những năm qua, TP Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Công an thành phố Hà Nội, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, gia tăng việc các đối tượng sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội, lợi dụng công nghệ 4.0 để thực hiện hành vi phạm tội. Một số địa bàn các tỉnh giáp ranh vẫn tiềm ẩn nhiều dấu hiệu phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy.

fwgwg.jpg
Ảnh minh họa.

Đáng lưu ý, số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng trẻ hóa, gia tăng theo từng năm, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với mọi mặt của đời sống xã hội, là nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh nhiều loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, TP Hà Nội tiếp tục xác định công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.

Cùng với đó, TP Hà Nội kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại; coi trọng công tác phòng, chống ma túy từ cơ sở và tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Đặc biệt, để triển khai có hiệu quả Tháng hành động phòng, chống ma túy từ ngày 1/6 đến 30/6/20 theo chỉ đạo ngày 27/5/20 của Thủ tướng Chính phủ với chủ đề “Chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn sạch ma túy”, thành phố Hà Nội cần tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy đến từng khu phố, hộ gia đình.

Trong đó, chú trọng các khu vực, địa bàn trọng điểm, tập trung đông người, các khu công nghiệp, chế xuất, các khu dự án xây dựng đô thị lớn, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên...

Cùng với đó, các địa phương đổi mới tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy, cảnh báo trực diện cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và phụ huynh về hậu quả, tác hại, hiểm họa của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, chất hướng thần, các loại ma túy “núp bóng”, pha trộn, tẩm ướp vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử.

Chỉ rõ các phương thức, thủ đoạn lôi kéo thanh thiếu niên tham gia vào hoạt động phạm tội và tệ nạn ma túy; cách thức nhận biết, kỹ năng phòng ngừa, chủ động tham gia tố giác và cung cấp thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy cho cơ quan chức năng.

Các địa phương tiếp tục duy trì các mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã và đang được các địa phương nhân rộng lên hơn 6.000 điểm tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp, cơ sở giáo dục.

Trên cơ sở đó, xây dựng mô hình "Tổ dân phố, thôn không ma túy" và "Xã, phường, thị trấn không ma túy" trên địa bàn Thủ đô tiến tới xây dựng "Vùng xanh" trong phòng, chống ma túy, phấn đấu xây dựng quận, huyện, thị xã không ma túy; hướng tới thực hiện hiệu quả Đề án "giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại" trong phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

N.T.D