Huy động mọi nguồn lực diệt châu chấu bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Bắc
Thông tin sơ bộ từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên,... cho thấy, dịch châu chấu đang lan rộng, trong đó tỉnh Cao Bằng hiện châu chấu đang có sức lan mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đời sống nhân dân các huyện.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đàn châu chấu tre lưng vàng thuộc nhóm châu chấu đàn. Trong những năm gần đây đã phát sinh và gây hại nghiêm trọng cho cả cây trồng nông lâm nghiệp ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Đây là loài sinh vật có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát. Khi tuổi lớn, chúng có thể tập hợp thành đàn với số lượng lớn và di cư đi tìm nguồn thức ăn và nơi đẻ trứng.
Châu chấu tre lưng vàng được ghi nhận gây hại đầu tiên trên rừng tre, luồng vào năm 2008 tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ. Đến ngày 30/5/20, tổng diện tích các ổ dịch châu chấu tre lưng vàng là 642ha, trong đó Cao Bằng 517ha (Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, Hà Quảng), Điện Biên 0,5ha, Sơn La 10ha, Bắc Kạn 63ha, Thanh Hóa 20ha và Nghệ An 20ha.
Tại Cao Bằng, châu chấu non tuổi 2-4 đang phân tán ra diện rộng hơn, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng, diện tích các ổ dịch châu chấu hiện nay là trên 517ha gồm 3,2ha trên rừng vầu, 165,2ha trên cỏ dại, ngoài ra còn 26,8ha trên ngô, 6,4ha trên lúa và 3,5ha trên cây thuốc lá. Các diện tích có châu chấu phân bố ở các huyện Hòa An (các xã Bạch Đằng, Hồng Việt, Lê Chung, Thị trấn Nước Hai); huyện Nguyên Bình (các xã Vũ Minh, Triệu Nguyên, Thể Dục, Thịnh Vượng); huyện Thạch An (xã Minh Khai, Canh Tân, Quang Trọng, Kim Đồng); huyện Hà Quảng (các xã Thanh Long, Lương Can, thị trấn Thông Nông); Thành phố cao Bằng (Phường Đề Thám, xã Hưng Đạo, xã Chu Trinh) và vài ổ ở huyện Bảo Lâm (xã Thái Sơn).
Theo báo cáo của ngành chức năng, từ đầu tháng 4/20, châu chấu tre bắt đầu xuất hiện tại các huyện Nguyên Bình, Thạch An và Hòa An (tỉnh Cao Bằng). Đến thời điểm này, mật độ châu chấu tre trên các cánh rừng vầu phổ biến 600 - 1.000 con/m2, nơi cao 2.500 - 3.000 con/m2, cục bộ 7.000 - 8.000 con/m2.Tổng diện tích cây trồng tại tỉnh Cao Bằng bị châu chấu tre gây hại lên đến hơn 500 ha (trong đó có khoảng 300 ha rừng vầu).
Châu chấu tre vàng thường phát triển mạnh từ tháng 6 - 9/20 là thời gian bùng phát dịch hại. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu để UBND tỉnh Cao Bằng ban hành quyết định công bố dịch châu chấu tre hại cây rừng và cây trồng nông nghiệp trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Thạch An, Hòa An.
UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã huy động mọi nguồn lực của địa phương tổ chức phòng trừ châu chấu tre lưng vàng. Các đơn vị chức năng địa phương chủ động huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện công tác phun trừ châu chấu tre...
Tại Lạng Sơn, theo báo các nhanh từ các địa phương, ghi nhận trên địa bàn xã Thiện Hòa (Bình Gia, Lạng Sơn), châu chấu lưng vàng đã phá hoại những cánh rừng tre vầu và lan sang hơn 11ha diện tích hoa màu của người dân. Dự báo, trong sắp tới nắng nóng xen kẽ mưa rào sẽ là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của châu chấu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Tại Bắc Kạn, các xã Hiệp Lực (huyện Ngân Sơn), Văn Lang, Văn Vũ, Cư Lễ (huyện Na Rì)… tỉnh Bắc Kạn, châu chấu đang cắn nát lá những cánh rừng luồng và vầu, mật độ lên tới 0-200 con/m2. Thông tin từ ngành chức năng, châu chấu tre lưng vàng đang ở giai đoạn tuổi 3-4, chủ yếu gây hại trên rừng vầu tự nhiên, cây luồng, cỏ mềm và hiện đã tấn công xuống cây ngô của các hộ dân.
Trước diễn biến châu chấu tre lưng vàng gây hại, các huyện đang tích cực kiểm tra, thăm nắm, chỉ đạo, tuyên truyền các hộ dân tiến hành phun trừ để bảo vệ cây trồng, tránh châu chấu phát tán ra diện rộng. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi hướng di chuyển của châu chấu để có phương án phòng trừ kịp thời. Tuyên truyền tới các vùng tiếp giáp có nguy cơ cao bị châu chấu tre lưng vàng tấn công, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Khuyến khích thành lập các tổ, huy động các hộ có diện tích ngô trong khu vực tiến hành phun tập trung (đồng loạt), phun bao vây xung quanh, phun cuốn chiếu từng khu vực để tiêu diệt châu chấu, tránh phát tán ra diện rộng.