Chính trị

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tìm mọi giải pháp cung cấp đủ điện

Duy Tuấn 06/06/20 - 12:08

Đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, với trách nhiệm của Nhà nước, sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn các nguồn điện…

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, sáng 6/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đăng đàn trả lời chất vấn, làm rõ thêm một số vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn đã được các Bộ trưởng trả lời các đại biểu Quốc hội.

ha21.jpeg
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Giải quyết từ khâu phân phối đến cơ chế, chính sách đầu tư

Chất vấn Phó Thủ tướng, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam, trong đó có công nghệ cao, chip bán dẫn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư quan ngại việc đảm bảo cung ứng đặc biệt qua cơ chế mua bán điện trực tiếp. Phó Thủ tướng cho biết, thực trạng việc cung ứng điện ảnh hướng thế nào đến cơ hội thu hút đầu tư?

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng cho hay “trong năm 2023 đã có giai đoạn thiếu điện cục bộ tại một số địa phương miền Bắc”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt, toàn diện. Trong đó, cần quan tâm đến triển khai các công trình dự án liên quan đến nguồn điện. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án hiện nay về cơ chế, chính sách đầu tư.

trannhatminh.jpeg
Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Phó Thủ tướng khẳng định, đã giải quyết khâu phân phối điện thông qua xây dựng đường dây 500KVA mạch 3 với thời gian thần tốc, cuối tháng 6 dự kiến hoàn thành. “Như vậy, vấn đề điều tiết điện giữa các vùng miền sẽ giải quyết được ở một số mức trong một số năm”.

Cùng với đó, đang có giải pháp đa dạng hóa công nghiệp điện, đảm bảo cạnh tranh công nghiệp điện thông qua việc xây dựng nghị định mua bán điện trực tiếp với khách hàng, với năng lượng tái tạo. Phó Thủ tướng thông tin thêm, hiện đang xây dựng, ban hành nghị định để mọi người dân có điện mái nhà có thể cung cấp nguồn điện tự sản, tự sinh cho tiêu dùng.

ha23.jpeg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh với trách nhiệm của Nhà nước “sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn các nguồn điện và đảm bảo trách nhiệm chủ động của các doanh nghiệp. Khi đó sẽ giải quyết được vấn đề hiện nay”.

Điều chỉnh giá cả, kích cầu tiêu dùng

Chất vấn Phó Thủ tướng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực kiểm soát chặt chẽ lạm pháp. Tuy nhiên, áp lực của việc kiểm soát còn lớn, nhất là từ ngày 1/7, sẽ thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Chính phủ có định hướng, giải pháp điều hành giá như thế nào?

Bên cạnh đó, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất phức tạp, tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra với số lượng lớn người ngộ độc… Đại biểu Hoa đề nghị Phó Thủ tướng cho biết có giải pháp căn cơ gì để giải quyết vấn đề trên, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân?

maithiphuonghoa.jpeg
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để đảm bảo các mặt hàng mà Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.

Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Tương tự thời gian qua xử lý biến động giá vàng, với những giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm ổn định giá trị của đồng tiền, đảm bảo các tỉ giá đi đôi với chính sách tài khóa.

Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy và đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm. Đồng thời có nhiều chính sách tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển.

Với các giải pháp mà Chính phủ đã làm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: "Với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả".

ha22.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn.

Về ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ xem xét, rà soát lại các quy định pháp luật, thể chế, trong đó đang thí điểm cơ quan quản lý liên ngành đối với vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ xem xét có quy định, chế tài và pháp lý hóa đối với các chuỗi cung cấp thực phẩm, từ nơi sản xuất, chế biến, khâu vận chuyển và nơi tiêu thụ… Đồng thời cần phải tập trung thanh tra, kiểm tra, tăng cường năng lực đầu tư cho các trang thiết bị để kiểm soát nhanh các tiêu chí đối với an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng kỳ vọng, khi có hệ thống đồng bộ, được đầu tư bài bản, đủ năng lực về trang thiết bị để có thể giám sát và kiểm tra, chúng ta hoàn toàn đáp ứng được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hoàn thiện quy định bồi thường cho người dân mất đất

Chỉ ra thực trang nhiều tỉnh gặp vướng mắc khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người dân nằm trong an toàn cột tháp gió, kéo dài nhiều năm gây khó khăn ảnh hưởng tới người dân, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi- Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đặt câu hỏi với Luật Đất đai sửa đổi và văn bản hướng dẫn thi hành tới đây, có giải quyết dứt điểm tình trạng này hay không và giải quyết vấn đề này thế nào?

nguyenthiyennhi.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi- Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng khẳng định hành lang an toàn khi cần thiết nhà nước sẽ thu hồi. Nhà nước có chính sách thu hồi và đền bù nếu có nhà ở và công trình khác. Tuy nhiên do chưa có tiêu chí xác định chiều dài, chiều rộng, khu vực nào tiếp tục được sử dụng với các trạm điện gió. Vì vậy, ông Hà cho biết, sẽ ban hành tiêu chí kỹ thuật an toàn và thực hiện thu hồi, đền bù theo Luật Đất đai.

Cùng về bồi thường, cho rằng việc hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các đơn vị sau khi khai thác tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng để phục hồi môi trường, nhưng có nơi địa phương hoặc chủ mỏ chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thiện trách nhiệm, gây ảnh hưởng đời sống người dân, đại biểu Tô Văn Tám- Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp?

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết, theo quy định vật liệu san lấp thông thường sẽ được đưa vào nhóm trình tự thủ tục đơn giản nhất, thậm chí nhiều loại vật liệu coi là tài nguyên đất, nên việc xử lý hoàn thổ sẽ đơn giản hơn. Theo đó trong Luật Địa chất khoáng sản sửa đổi sắp tới sẽ khắc phục những bất cập liên quan đến vấn đề này.

Tham gia ngay vào ngành công nghiệp bán dẫn, kinh tế số

Trả lời câu hỏi đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, về cơ hội của Việt Nam khi tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, Phó Thủ tướng cho biết “thời gian qua Thủ tướng, Chính phủ quyết liệt triển khai”.

nguyenthivietnga.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “kinh tế số ở nước ta phát triển rất nhanh, người Việt Nam có những mặt mạnh, nổi trội. Các trường đại học đã quan tâm giảng dạy lĩnh vực này. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu lĩnh vực bán dẫn”.

Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt đề án đào tạo nhân lực công nghệ thông tin. Nhiều doanh nghiệp kinh tế số đã đầu tư vào nước ta. Các doanh nghiệp Việt Nam về kinh tế số cũng phát triển mạnh, có sức tăng trưởng nhanh.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần đào tạo kỹ sư tiếp cận, tham gia ngay vào ngành công nghiệp bán dẫn. Lực lượng lao động Việt Nam ở nước ngoài rất đông gồm các nhà khoa học nên cần huy động. Chính phủ sẽ có chủ trương lựa chọn các trường đại học để xây dựng thành trung tâm công nghệ bán dẫn. Các trung tâm này sẽ được đầu tư lớn làm các phòng thí nghiệm hiện đại.

Các khâu chế tạo thiết bị, công cụ thiết kế đều do các nước phát triển nắm quyền, không bàn giao, vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu sâu về khoa học cơ bản để tự chủ. Các lĩnh vực cơ bản là vật liệu, vật lý, hóa học cần được đào tạo bài bản hơn.

lethanhtan.jpeg
Đại biểu Lã Thanh Tân- Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng.

Trả lời đại biểu Lã Thanh Tân- Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng về nội dung kinh tế số, Phó Thủ tướng cho biết “thực tế Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng tự nhiên”.

Ông nói Chính phủ cần dẫn dắt, kiến tạo tức là Chính phủ đưa ra chuyển đổi số đầu tiên sau đó sang kinh tế, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Chuyển đổi số là chuyển đổi từ tài nguyên tự nhiên sang tự nhiên số, Phó Thủ tướng cho biết, đây là kho báu lớn cần tận dụng.

Thời gian tới các ngành, lĩnh vực cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, ngân hàng tài nguyên.

Cần đầu tư thật tốt cơ sở hạ tầng để chuyển đổi số như 4G, 5G, trung tâm dữ liệu lớn...

Duy Tuấn