Kinh tế

Kinh tế ban đêm – Xu thế mới trong phát triển kinh tế

Mai Thoa 07/06/20 - 08:43

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Việc này được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm tạo thêm không gian kinh tế cho doanh nghiệp và người dân.

vna_potal_phuc_hoi_va_phat_trien_kinh_te_da_nang_phat_trien_kinh_te_ban_dem_tu_du_lich_stand.jpg
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm” nhằm tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để phát triển kinh tế đêm. Ảnh: TTXVN

Sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương

Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) ở Việt Nam đã cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở những thành phố/trung tâm lớn, nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.

Sau khi Chính phủ ban hành quyết định trên, các bộ ngành, địa phương nỗ lực thực hiện nhằm cụ thể hóa các kế hoạch phát triển KTBĐ, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ cụ thể về đêm.

Điển hình, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2869/QĐ-UBND, ngày 22/9/2023 phê duyệt Đề án thí điểm mô hình phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 và Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án thí điểm mô hình này. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng định hướng định hướng triển khai KTBĐ tại một số địa phương đáp ứng được các tiêu chí đề ra.

Tại Đà Nẵng, HĐND thành phố đã thông qua một số cơ chế thí điểm, khuyến khích phát triển KTBĐ như: Miễn phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố khi thí điểm Chợ đêm An Thượng trong vòng 12 tháng; thí điểm kéo dài thời gian hoạt động tại một số khu vực; và một số nội dung khác để tạo điểm nhấn nổi bật trong du lịch đêm của Đà Nẵng và thu hút khách tham gia, lưu trú…

vna_potal_da_nang_phat_trien_kinh_te_ban_dem_tu_du_lich_stand-1-.jpg
Khu du lịch Ba Na Hills thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham gia vui chơi, giải trí và tận hưởng các dịch vụ. Ảnh: TTXVN

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có quyết định về việc ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm với mục tiêu tổng quát “Phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển KTBĐ ở Việt Nam” và các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 2030.

Tháng 12/2023, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức lấy ý kiến thẩm định đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, trong đó cũng đề xuất bãi bỏ một số nội dung có thể tạo ra rào cản không cần thiết cho cơ sở kinh doanh…

Tạo ra xu thế mới phát triển kinh tế

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quyết định số 1129/QĐ-TTg đặt dấu mốc then chốt kích hoạt và mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển bài bản như một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước.

Hà Nội là địa phương luôn tiên phong nỗ lực tăng doanh thu ngành du lịch bằng việc tổ chức hoạt động kinh tế du lịch đêm. Thành phố đã có một số khu vực hoạt động kinh tế ban đêm như khu Tạ Hiện, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cuối tuần, phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố ẩm thực Tống Duy Tân, thành cổ Sơn Tây. Một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ đã được mở cửa đến 2 giờ sáng... Nhiều doanh nghiệp còn kết hợp với điểm đến tổ chức tour du lịch đêm tại Di tích Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội...

Các mô hình phát triển kinh tế đêm tại TP. HCM hiện đang hoạt động khá sôi động như: Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền… Phố ẩm thực đêm với 143 cơ sở kinh doanh, trong đó có 92 hộ kinh doanh ăn uống giá bình dân và 51 hộ kinh doanh các dịch vụ khác như quần áo, giày dép, làm tóc...

Còn tại Đà Nẵng, bước đầu thành phố đã triển khai có hiệu quả một số hoạt động như: Khai trương bãi biển đêm Mỹ An với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim trên bãi biển, trải nghiệm check-in, chiếu sáng nghệ thuật… Đà Nẵng dự kiến sẽ tăng tần suất trình diễn cho cầu Rồng phun lửa, phun nước vào thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; khai trương Phố du lịch An Thượng; tổ chức định kỳ chương trình âm nhạc đường phố; khai trương Công viên APEC; tổ chức hoạt động lại Chợ đêm Helio, chợ đêm Sơn Trà, phố ăn vặt Nam Ô...

Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Kế hoạch và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đề án 1129 về kinh tế ban đêm tạo ra một xu thế mới, đặc biệt là yếu tố thu hút khách du lịch để họ chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, kinh tế ban đêm hiện vẫn là một vấn đề khá nhạy cảm, liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành để quản lý các vấn đề như an ninh, văn hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế... hay vấn đề phối hợp quản lý, tổ chức các mô hình giữa các bộ, ngành. “Chẳng hạn, rõ ràng về mặt biên chế chúng ta quy định chỉ làm việc hành chính. Vậy những người làm việc ban đêm phục vụ phát triển mô hình kinh tế này thì như thế nào, trong khi luật tổ chức bộ máy của chúng ta chưa quy định rõ”.

Còn theo TS. Hà Thị Hồng Vân, Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam, đây là một mô hình mới, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó không chỉ phục vụ nhu cầu rất lớn của du khách quốc tế mà còn đáp ứng mong mỏi của người dân tại chỗ. Tuy nhiên, các địa phương của Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phát triển mô hình này một cách hiệu quả.

TS. Trần Thị Hồng Minh -Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiệu quả của các hoạt động KTBĐ vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và ở nhiều địa phương còn khiêm tốn hơn so với mức tiềm năng.

Dù đã được nhận diện trong Đề án Phát triển KTBĐ, nhưng hoạt động KTBĐ trong thời gian qua vẫn chưa tách rời khỏi rủi ro gia tăng các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến, như: Mại dâm, ma túy, cờ bạc… gây khó khăn cho các nhà quản lý xã hội ở cấp trung ương và địa phương. Khung pháp lý, các quy định về hoạt động và quản lý loại hình này còn chậm điều chỉnh, chưa có sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản mới nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý trong tình hình mới.

Mai Thoa