Tin địa phương

Hoa Kỳ hỗ trợ giải quyết vấn đề y tế liên quan biến đổi khí hậu và môi trường tại ĐBSCL

Khánh Ngọc 07/06/20 - 20:00

Ngày 7/6, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; Sở Y tế TP Cần Thơ tổ chức Lễ khởi động dự án “Tăng cường tiếp cận một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường.”

Dự án này sẽ được thực hiện tại TP. Cần Thơ và tỉnh An Giang nhằm nâng cao năng lực cấp tỉnh/thành phố trong việc phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó trước các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên quan đến biến đổi khí hậu và các mối đe dọa bệnh tật.

2(4).jpg
Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, bà Aler Grubbs- Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, USAID và Việt Nam sẽ phát huy nền tảng hợp tác gần 20 năm trong lĩnh vực Một sức khỏe với trọng tâm mới là biến đổi khí hậu.

Một dự án sức khỏe đầu tiên do USAID tài trợ tập trung vào mối liên quan giữa sức khỏe công cộng và biến đổi khí hậu sẽ được triển khai tại TP. Cần Thơ và tỉnh An Giang. Qua đó, sẽ bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, kiên cường, độc lập và thịnh vượng.

1(3).jpg
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại buổi lễ

Việt Nam là quốc gia có nguy cơ cao về xuất hiện và tái xuất hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Nguy cơ này càng gia tăng do Việt Nam dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm: thay đổi mô hình mưa, xâm nhập mặn và các sự kiện thời tiết và thiên tai thường xuyên hơn và dữ dội hơn; dẫn đến sự gia tăng tiếp xúc giữa động vật hoang dã, gia súc và con người và do đó làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh.

3(3).jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi động dự án tại buổi lễ

Do đó, mọi người đang sống trong thời điểm có nguy cơ mắc các bệnh mới nổi, lây truyền giữa động vật và con người. Nguyên do được chỉ ra bởi quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu… Vì vậy, để duy trì an ninh y tế toàn cầu, các quốc gia phải áp dụng cách tiếp cận “Một sức khỏe” - một phương pháp hoạt động xuyên suốt các khía cạnh sức khỏe của con người-động vật-môi trường.

Năm 2020, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 27 triệu USD vào các chương trình an ninh y tế toàn cầu tại Việt Nam; hơn 92 triệu USD vào y tế công cộng để ứng phó với các bệnh truyền nhiễm như: HIV, lao; khoảng 29 triệu USD vào các hoạt động trong đại dịch COVID-19, hơn 60.000 sinh viên Việt Nam đã được đào tạo trong các lĩnh vực y học, thú y, điều dưỡng và y tế công cộng.

4(2).jpg
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi lễ

Theo Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, dự án “Tăng cường tiếp cận một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường” sẽ hỗ trợ các cơ quan chính quyền, cộng đồng và các đối tác khác ở Cần Thơ và An Giang phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng thời nhận thức rõ mối liên quan chặt chẽ giữa sức khỏe con người với sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường.

Các hoạt động dự kiến triển khai bao gồm: nâng cấp các cơ sở y tế ban đầu để hỗ trợ cung cấp các dịch vụ y tế liên tục khi xảy ra các sự kiện thời tiết cực đoan; tăng cường các dịch vụ y tế từ xa, trang bị tốt cho các cơ quan chức năng cũng như hệ thống y tế địa phương; tăng khả năng sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, TP. Cần Thơ hiểu rõ các thách thức từ biến đổi khí hậu và đã sớm ban hành, triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đồng thời, các hoạt động của dự án rất có ý nghĩa và hữu ích, nhằm giúp thành phố nâng cao năng lực phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng cường thực hiện các chiến lược điều phối tiếp cận nguồn nhân lực trong lĩnh vực sức khỏe, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân trên địa bàn.

Khánh Ngọc