Chính trị

Xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội là phù hợp với xu thế

PV 08/06/20 17:18

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, nhiều đại biểu đánh giá, tán thành rất cao các quy định trong dự thảo, trong đó có chế định xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt tù đối với người chưa thành niên và đề xuất tách vụ án có người chưa thành niên ra xét xử độc lập.

Về các biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt, đại biểu Lê Thanh Phong tán thành với 12 biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định tại Điều 36 dự thảo Luật, gồm: khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; hạn chế khung giờ đi lại; cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; và giáo dục tại trường giáo dưỡng.

le_thanh_phong.jpg
Đại biểu Lê Thanh Phong (Đoàn TP.HCM) phát biểu tại tổ

"Đây là những biện pháp mới có tính chất cộng đồng xã hội cùng tham gia khuyến khích người chưa thành niên phạm tội chấp hành tốt các biện pháp chuyển hướng để được rút ngắn thời gian xử lý chuyển hướng trước thời hạn. 12 biện pháp này cũng phù hợp với xu thế của khu vực và quốc tế đã làm hiện nay, trong áp dụng những biện pháp mới như theo dõi từ xa, quản lý điện tử", đại biểu Lê Thanh Phong nhận định.

Về biện pháp chuyển hướng “giáo dục tại trường giáo dưỡng”, đại biểu Lê Thanh Phong nhất trí với việc chuyển Điều 96 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thành biện pháp chuyển hướng như trong dự thảo Luật với lý do sẽ sớm kết thúc việc truy trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm nhanh chóng được áp dụng xử lý chuyển hướng ngay từ giai đoạn đầu khi mới thực hiện hành vi phạm tội, thay vì trước đây khi người chưa thành niên mới thực hiện hành vi phạm tội thì chuyển qua cơ quan điều tra xử lý, truy tố rồi mới ra được biện pháp xử lý, giúp rút ngắn đáng kể thời gian tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

Về rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên phạm tội, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) tán thành với ý kiến cần rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên bị buộc tội theo hướng thời hạn điều tra, truy tố, xét xử không quá một phần hai thời hạn tương ứng được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự, trừ trường hợp vụ án có tính chất phức tạp.

Để đảm bảo rút ngắn thời hạn tố tụng với vụ án có người chưa thành niên, các đại biểu Quốc hội đồng tình và cho rằng, để làm được điều này thì cần phải tách vụ án có người chưa thành niên ra xét xử độc lập.

Đại biểu Lê Thanh Phong cho rằng: "Nếu để cùng một vụ án sẽ dẫn đến thời hạn tố tụng cho người chưa thành niên đã hết nhưng thời hạn tố tụng của người lớn vẫn còn. Do đó có thể dẫn tới việc không thể giải quyết được vụ án".

Còn đại biểu Nguyễn Hữu Chính nói việc tách vụ án để xét xử riêng với người chưa thành niên sẽ không ảnh hưởng đến tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị can. Nếu xét xử chung, chủ tọa không phân biệt được người thành niên và chưa thành niên nên sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của trẻ em.

Tán thành với đề xuất vụ án nếu có cả trẻ em và người lớn thì phải tách ra giải quyết độc lập, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra phải theo người lớn, điều này đặt các cháu vào tình trạng bị khởi tố, tạm giam kéo dài.

Hơn nữa, theo Chánh án, việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án với người chưa thành niên phải được tiến hành trong môi trường thân thiện, sẽ bất cập nếu xử lý chung. Một bất cập khác, nếu xử chung thì toàn bộ quá trình phạm tội sẽ bị công khai.

Phát biểu ý kiến tại tổ sáng 8/6 về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu đều tán thành việc phải có một đạo luật riêng cho đối tượng người chưa thành niên.

Các đại biểu cho rằng, hiện nay hệ thống quy định pháp luật cho đối tượng này còn nằm ở nhiều luật, điều này dẫn đến một số khó khăn, tồn tại như hình phạt chưa phù hợp, một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành, mức hình phạt tù tối đa vẫn còn quá cao, thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện...

Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

PV