Quãng Ngãi: Người dân lo ngại đường ống xả thải ra biển của Nhà máy Bột - Giấy VNT19
Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) đang bị người dân tại làng biển Lệ Thuỷ (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) phản ứng liên quan đến đường ống xả nước thải ra biển.
Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 (thuộc Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT19) được xây dựng tại xã Bình Phước (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), công suất thiết kế giai đoạn 1 là 350 nghìn tấn bột giấy/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Đây là nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam, dự kiến cuối quý IV năm 20 đưa vào hoạt động, sẽ tiêu thụ 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm, bằng khoảng 55-60% lượng gỗ dăm đang xuất khẩu qua cảng Dung Quất.
Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2011, trên diện tích 117ha. Ngày 07/9/20, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 2270/QĐ-BTNMT về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có hạng mục lắp mới tuyến ống thoát nước thải từ Nhà máy ra biển dài 5,2km; xây mới 1 hệ thống xử lý nước thải và nước thô cùng công suất 73.000m3/ngày đêm.
Từ ngày 20/4, Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT19 tổ chức thi công đường ống xả thải từ Nhà máy ra biển thì bị người dân thôn Lê Thủy ngăn cản, phản ứng gay gắt và không cho doanh nghiệp thi công.
Tại buổi đối thoại ngày 07/6, bà Lê Thị Thủy (thôn Lệ Thủy) nói: “Vịnh Việt Thanh thuộc vùng biển Dung Quất, đã nuôi sống biết bao thế hệ nơi đây. Bây giờ đưa ổng xả thải ra biển, liệu có con cá, con tôm nào còn ở đây được. Dân Lệ Thủy đã khổ sở với đường ống của nhà máy lọc dầu rồi, bây giờ chúng tôi không muốn đường ống xả nhà máy giấy đặt ở đây".
Ông Lê Vũ (thôn Lệ Thủy) đề nghị: “Các cơ quan nói đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vậy sao không xả thải ở đập Cà Ninh gần nhà máy, mà lại đặt ở vùng biển này".
Giải thích cho nhân dân, bà Trần Thị Hạ Vũ – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, công nghệ xử lý nước thải của VNT19, do Nhà thầu AQUAFLOW của Phần Lan là đơn vị thiết kế, thi công mới 100% hệ thống xử lý nước thải. Với công nghệ sản xuất tiên tiến, giúp tiết kiệm hóa chất, giảm phát sinh nước thải.
Các thông số nước sau khi được xử lý sẽ đạt và tốt hơn quy chuẩn cho phép của QCVN 12-MT:20/BTNMT (cột B2, Kf-0,9, Kq-1,3) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy. Ngoài ra, Công ty còn bổ sung thêm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, phương án giám sát việc xả nước sau xử lý nên nhân dân hãy yên tâm”.
Đối với phần thi công đường ống ngầm xả nước thải ra biển, ngày 22/11/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao khu vực biển theo Quyết định số 1281/QÐ-UBND để xây dựng tuyến ống thoát nước đã qua xử lý. Khu vực biển được phép sử dụng có diện tích 0,45 ha (gồm chiều dài khoảng 1.195m, xả thải bằng ống ngầm, phân tán; độ sâu đề nghị sử dụng từ 0m đến dưới 19m) tại vịnh Việt Thanh.
Đại diện Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT19 cho biết trong thời gian qua, công ty đã phối hợp Viện Hải dương học và Viện Khoa học Tài nguyên nước thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xây dựng mô hình xả nước đã qua xử lý, đánh giá khả năng tiếp nhận và sức chịu tải của vịnh Việt Thanh; phối hợp Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức phản biện về hệ thống xử lý nước thải đã qua xử lý, đường ống xả nước thải đã qua xử lý của dự án với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong khu vực dự án.
Cam kết với nhân dân Lệ Thủy, nếu việc xả thải gây thiệt hại thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm bồi thường; dừng hoạt động nhà máy đến khi xử lý xong thiệt hại. Đồng thời, doanh nghiệp hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, an sinh xã hội, bồi thường đất đai thỏa đáng và các vấn đề khác phục vụ đời sống nhân dân Lệ Thủy tốt hơn.
Kết luận buổi đối thoại, ông Ung Đình Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn khẳng định việc cấp phép xây dựng đường ống xả ra biển đã được cấp phép theo quy định, vấn đề đánh giá tác động môi trường đảm bảo quy định của các cơ quan chuyên môn. Mọi ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, huyện tiếp tục ghi nhận, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền tìm giải pháp giải quyết. Đề nghị UBND xã Bình Trị ghi nhận mong mỏi của người dân, khẩn trưởng xử lý theo thẩm quyền, trường hợp khó khăn thì đề nghị cấp trên nghiên cứu hỗ trợ, để người dân có điều kiện sống tốt nhất và đồng thuận việc thi công đường ống của VNT19.